Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

“Xử lý nợ xấu là việc làm cần thiết, không thể thực hiện theo cách thân ai người ấy lo”. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

              Thời gian gần đây, vấn đề thành lập công ty xử lý nợ xấu đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đồng ý rằng việc xử lý nợ xấu là việc làm cần thiết, không thể chậm trễ nhưng phải có sự đánh giá khách quan từ nhiều phía, trên nhiều phương diện khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Tặng -

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Vấn đề quan trọng trước tiên là cần phải xác định ai đứng ra thành lập công ty này. Nếu do nhà nước thành lập sẽ hình thành vùng “chồng lấn” giữa hai DNNN. Bởi, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là một DNNN hạng đặc biệt, có nhiệm vụ mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Trong đó phần lớn các khoản nợ DATC mua để xử lý có xuất thân từ các ngân hàng thương mại. Vậy khi thành lập một công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng thì DATC, với tư cách là công ty xử lý nợ tầm cỡ quốc gia sẽ không có “đất dụng võ”.

Còn nếu công ty đó do các ngân hàng tự lập ra thì cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, mặc dù đã có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng (AMC) nhưng vai trò của các công ty này rất mờ nhạt. Các AMC của ngân hàng mới chỉ hoạt động như là đại lý hay một bộ phận của ngân hàng mẹ mà không có sự độc lập về tài chính và hoạt động. Đặc biệt, việc ngân hàng mua lại nợ của nhau tức là nợ xấu chạy vòng vo từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Có thể về mặt số lượng thì nợ xấu giảm đi nhưng chất lượng thì không thay đổi. Tôi cho rằng đã là nợ xấu mà lại vòng vo thì càng nguy hiểm hơn.

Thứ hai, về nguồn để hoạt động công ty này, biện pháp phát hành trái phiếu để mua các khoản nợ này cần phải chú ý đặc biệt đến giá mua. Ai có thể đảm bảo là sau khi mua các khoản nợ xấu này Chính phủ sẽ không mất % vốn nào.

Nếu bảo ngân hàng bỏ tiền ra mua thì đó cũng là tiền của dân, của doanh nghiệp. Không thể có khoản 100.000 tỷ từ trên trời rơi xuống, bởi vốn của ngân hàng có đến 90-95% vốn của xã hội, của những người tạm thời nhàn rỗi, của các tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể.

Thứ ba, công ty xử lý nợ xấu chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định, thường là 10 -15 năm. Vậy cứ mỗi lần “dịch” bùng phát trở lại thì chúng ta lại phải hô hào nhau thành lập công ty xử lý nợ xấu cho ngân hàng.

Mặt khác, nếu thành lập công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng, có nghĩa là công ty này chỉ làm nhiệm vụ xử lý nợ của ngân hàng. Trong khi đó, nợ của doanh nghiệp bao gồm: nợ ngân hàng, nợ ngân sách nhà nước, nợ thuế, nợ lương, nợ dân, nợ trong và ngoài nước. Chẳng lẽ, chỉ có nợ của ngân hàng mới là nợ.

Với những lý do trên, tôi cho rằng việc thành lập công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng không thể thực hiện theo cách “thân ai người nấy lo”, cần có cái nhìn khách quan từ cục diện cả nền kinh tế.

“Không có cơ sở để nói 100 nghìn tỷ đồng mua nợ xấu ngân hàng”

Thông tin trên được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, diễn ra chiều tối ngày 3/7. Theo Bộ trưởng Đam, một trong những giải pháp giải quyết nợ xấu là có thể nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ xấu. Song theo ông, không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước phải đợi đến khi thành lập doanh nghiệp này xong mới xử lý nợ xấu. Mà ngay tới đây, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để xử lý các khoản nợ.

“Việc thành lập một công ty mua bán nợ đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, chưa có gì chính thức. Song tôi cũng lưu ý, con số 100 nghìn tỷ đồng để giải quyết nợ xấu mà một số thông tin gần đây phản ánh có thể là do nhầm lẫn. Hiện chưa có con số cụ thể và cũng không có cơ sở nào để nói 100 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đam nói. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Đam, giả sử nếu có cần một doanh nghiệp để xử lý nợ xấu thì cũng không phải dùng tiền mặt để giải quyết mà là dùng các công cụ tài chính, trong đó phần lớn có thể chuyển đổi được trên các thị trường.

Giải trình trước Quốc hội chiều ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý khoảng trên dưới 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc là bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay.”

 Vậy, theo ông, cần làm gì để có thể xử lý được khoản nợ xấu khổng lồ hiện nay?

Tôi cho rằng, thay vì thành lập một công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng, chúng ta nên đầu tư nâng cấp DATC lên thành tổng công ty, đồng thời thành lập một công ty con trực thuộc DATC chuyên làm nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh nợ xấu. Làm như vậy, sẽ vừa phát triển DATC xứng tầm là công ty xử lý nợ tầm cỡ quốc gia, lại vừa có một tổ chức đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh khối lượng nợ xấu của nền kinh tế. Đồng thời, tổ chức này sẽ hoạt động thường xuyên, tránh “dịch” bùng phát trở lại. Ngoài ra, với kinh nghiệm xử lý nợ và tài sản tồn đọng đã được tích lũy 8 năm qua thì việc thành lập công ty xử lý nợ xấu thuộc DATC sẽ mất ít thời gian xử lý hơn.

Theo đó, để hoạt động hiệu quả thì trước tiên công ty này phải xác định được mua nợ ở mức nào vì đã gọi là nợ xấu là do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Nếu có tài sản đảm bảo thì tài sản đảm bảo đó cũng rất kém, không có tính thanh khoản hoặc rơi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh rất khó khăn. Vì vậy, điều phải xem xét là giá.

Bên cạnh đó, muốn mua nợ thì phải xác định chính xác nợ là bao nhiêu, môt khi xác định không chính xác thì sau khi mua xong, nợ lại nảy sinh thì việc xử lý rất mất nhiều thời gian. Vấn đề xác định chính xác nợ xấu của doanh nghiệp ngân hàng là một bài toán, không ai biết rõ mình nhất bằng các tổ chức tín dụng và người quản lý họ là Ngân hàng Nhà nước. Bây giờ bảo 10% nhưng từ lâu theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài có thấp thì cũng khoảng 13% và còn cao hơn nữa nếu phân loại theo chuẩn quốc tế.

Mặt khác, sự khác biệt giữa công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng và DATC là rất rõ ràng. Trong khi công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng chỉ tập trung xử lý các loại nợ xấu để hồi phục hệ thống tài chính, làm sạch bảng cân đối kế toán cho các ngân hàng thì sau khi mua nợ tái cơ cấu, DATC có thể cho vay hỗ trợ tạm thời, hoặc bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, DATC còn tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để doanh nghiệp khách nợ tái cơ cấu một cách hiệu quả nhất.

Nhưng với những khó khăn như hiện nay liệu DATC có thể đảm đương được vai trò này hay không?

Tôi tin rằng DATC đủ sức và đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ này nếu có được sự quan tâm thích đáng.

Để DATC phát huy hơn nữa vai trò trong xử lý nợ xấu thì vấn đề quan trọng nhất là DATC không thể là tổ chức “lưỡng tính”. Cần xác đinh rõ DATC là doanh nghiệp kinh doanh hay tổ chức làm nhiệm vụ chính trị. Nếu là doanh nghiệp kinh doanh thì DATC sẽ hoạt động theo luật doanh nghiệp. Còn nếu là tổ chức chuyên làm nhiệm vụ chính trị thì cần trao thêm quyền để đơn vị này “mạnh tay” hơn trong quá trình xử lý nợ.

Theo đó, cần luật hóa lĩnh vực kinh doanh đặc thù của DATC là việc làm cần thiết, tạo điều kiện để đơn vị này có thể chủ động xử lý các tình huống kinh doanh theo các quy định của pháp luật mà không cần mất nhiều thời gian chờ hướng dẫn của đơn vị chủ quản. Nghĩa là, quyền lợi sẽ đi liền với trách nhiệm, khi DATC có quyền chủ động đầu tư kinh doanh, thì đồng thời DATC cũng chịu trách nhiệm giải trình trước Bộ Tài chính về mọi hoạt động của mình.

Xin cảm ơn ông!

Đã trích dự phòng khoảng 67.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu ngân hàng

Tại hội nghị ngành diễn ra sáng 7/7, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 5/2012, tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 4,47% tổng dư nợ. Đây là mức khá cao khi cuối năm 2011 mới ở mức 3,07%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% nợ xấu. Đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng. Phát biểu tại hội nghị này, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, tại địa bàn Hà Nội, chưa bao giở trong 10 năm qua nợ xấu ở mức cao như vậy, lên tới 5,12% tính đến cuối tháng 6/2012.

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp - số 7/2012


Thống kê: 3.861.489
Online: 2