Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ngân hàng thương mại (NHTM) và đầu tư công đang là vấn đề nghị sự mà một trong những việc cần làm ngay là xử lý nợ xấu NHTM tại DN. Phóng viên Thời báo Tài chính đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) về nội dung này.

·Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Văn bản số 2871/NHNN-TD ngày 16/5/2012 yêu cầu 14 NHTM lớn đẩy mạnh mua bán nợ xấu và hiện có thông tin NHNN muốn lập Công ty mua bán nợ xấu ngân hàng. Ông nhận định thế nào về động thái này và tác động của nó đến xử lý nợ xấu ra sao?

- Ông Phạm Mạnh Thường: Những động thái trên cho thấy NHNN nhìn nhận nợ xấu đã đến ngưỡng báo động, buộc phải can thiệp và đây là những phản ứng tích cực, dù có hơi chậm. Tuy nhiên, những biện pháp này không mới và chưa đủ sức giải quyết vấn đề. Các ngân hàng đã được phép mua bán nợ từ 6 năm trước theo Quyết định số 59/2006 của NHNN nhưng hầu như không có giao dịch nào được thực hiện.

Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam

Các NHTM tự mua bán nợ xấu lẫn nhau có thể được xem là giải pháp tình huống nhưng nếu kiểm soát không tốt sẽ làm méo mó tình trạng nợ xấu và hoạt động ngân hàng vì khi hạch toán, đây là khoản đầu tư hay cho vay và họ có năng lực để xử lý tận gốc khoản nợ đã mua hay không là vấn đề cần làm rõ.

Trong xử lý nợ xấu, nguyên tắc tối kỵ là bán cho chính khách nợ hay mua bán lòng vòng giữa các ngân hàng để làm đẹp sổ sách. Nhờ mua bán lẫn nhau, NHTM có thể làm giảm tỷ lệ nợ xấu trên sổ nhưng chất lượng nợ vẫn không thay đổi hay thậm chí còn xấu đi vì việc mua bán nợ tự nó không giải quyết được tình trạng mất khả năng trả nợ của doanh nghiệp và nợ xấu càng để lâu càng mất giá trị.

Việc thành lập công ty mua bán nợ ngân hàng tự nó cũng không giải quyết được vấn đề nếu cả NHNN và Bộ Tài chính không xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù hoạt động xử lý nợ xấu.

·Bản thân các NHTM chủ nợ chắc cũng nóng lòng khi tiền của mình đang khó thu hồi. Sự thay đổi về chính sách này hẳn sẽ tạo ra “cú hích” để các ngân hàng xử lý khoản nợ của mình...

- Ông Phạm Mạnh Thường: Nợ xấu sẽ luôn hiện hữu trong hoạt động tín dụng ngân hàng do việc doanh nghiệp vay nợ ngân hàng là mối “lương duyên” không thể thiếu. Có điều, cả ngân hàng và doanh nghiệp nhiều khi không ai muốn “vạch áo” mà mong muốn tự xử lý để tìm sự ổn định. Cũng vì lợi ích ngắn hạn mà họ không ý thức được mối hiểm họa nợ xấu nên thiếu động lực giải quyết. Thông thường, bản thân từng ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính để xử lý nợ xấu của chính họ. Tuy nhiên, khi nợ xấu đã đến mức báo động như lúc này thì nó trở thành hiểm họa không chỉ cho riêng mỗi ngân hàng mà còn cho cả hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Lúc này Nhà nước không thể phó mặc cho thị trường hay chỉ trông cậy sự tự nguyện của từng ngân hàng mà phải dùng cơ chế chính sách tạo áp lực buộc các ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu. Giữa cơ quan tài khóa và cơ quan tiền tệ cũng cần có sự phối kết hợp để đánh giá, thống nhất quan điểm và ban hành cơ chế chính sách phù hợp đặc thù xử lý nợ xấu Việt Nam để tổ chức có chức năng mua bán nợ và tái cơ cấu DN như DATC thực hiện.

·Vậy theo ông, cần có những biện pháp đủ mạnh thế nào để các NHTM thực sự vào cuộc xử lý nợ xấu?

- Ông Phạm Mạnh Thường: Theo tôi, trước tiên phải buộc các NHTM chấp hành đúng yêu cầu phân loại nợ theo các quyết định của NHNN. Tiếp đó, cần công khai số liệu nợ xấu, mức độ dự phòng đã trích và khả năng hấp thụ lỗ khi xử lý nợ xấu. Thứ đến, NHNN cần đưa ra định mức, thời hạn buộc các ngân hàng phải hành động chứ không chỉ “khuyến khích, động viên”. Ví dụ, yêu cầu sau 1-2 năm ngân hàng phải giảm tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng 1 hay 2% chẳng hạn. Bên cạnh đó, tạo cơ chế cho các ngân hàng được chuyển giao nợ xấu có bồi hoàn hay bán nợ xấu theo cơ chế chia sẻ lợi ích với tổ chức được Nhà nước chỉ định là DATC.

Nhà nước cũng cần tính toán và bỏ ra một khoản chi phí nhất định cho công việc này và coi đây là phí tổn cho sự ổn định của cả nền kinh tế. NHNN nên chấp thuận cơ chế tái cấp vốn cho ngân hàng khi họ đem thế chấp trái phiếu do DATC phát hành để mua nợ của họ. Bộ Tài chính cho phép ngân hàng được phân bổ dần số lỗ do xử lý nợ xấu trong vòng 5 năm, cho phép áp dụng chế độ ưu đãi thuế khi xử lý tài sản đảm bảo nợ.

Các ngân hàng được phép tự xử lý hay tự nguyện bán nợ xấu nhưng nếu không đáp ứng tiến độ ngân hàng đó sẽ bị buộc phải chuyển giao hay bán nợ cho DATC và đồng thời phải chịu những chế tài mạnh như phải trích lập dự phòng đến hơn 100% dư nợ xấu chưa xử lý, không được tăng trưởng tín dụng, không được mở thêm chi nhánh, không trả thưởng cho lãnh đạo quản lý, thậm chí bị giám sát đặc biệt.

·Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam số 68 ngày 6/6/2012


Thống kê: 3.860.670
Online: 75