Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Với lộ trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2012 - 2015, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính (DATC) trở thành tâm điểm chú ý bởi đây được xem là trụ cột thực hiện mục tiêu này. Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC trả lời phỏng vấn TBTCVN về yêu cầu định vị lại vai trò và những thay đổi chính sách để DATC thực sự trở thành “đầu tàu” trong xử lý nợ thực hiện tái cơ cấu DNNN.

            Chính phủ chủ trương tái cấu nền kinh tế thông qua 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống NHTM. Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của TTCP về đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức tín dụng, Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 17/1/2012 của TTCP về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN thể hiện “quyết tâm chính trị” của Chính phủ thực hiện vấn đề này. Điểm khác biệt chiến lược của Đề án 254 với những lần xử lý công nợ trước đây là xử lý công nợ ngân hàng được đặt trong mối liên hệ với thực hiện tái cơ cấu đầu tư công và tái cấu trúc DNNN.

Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc DATC

·Thưa ông, bài toán tái cơ cấu được nhắc đến với nhiều mục tiêu như tổ chức, nhân lực, đầu tư... nhưng xử lý nợ xấu đang được dư luận chú ý hơn cả, xin ông cho biết nợ xấu hiện như thế nào và đâu là hướng ưu tiên để giải quyết tình trạng này?

- Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện khá lớn. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cuối năm 2011, tỷ lệ nợ xấu là 3,4% trên tổng dư nợ (tương đương 85.000 tỷ đồng) và hiện nay là 3,6%. Con số này tuy đã khá lớn nhưng theo đánh giá của nhiều nhà phân tích và tổ chức quốc tế thì nợ xấu thực tế còn cao hơn rất nhiều, kể cả phân loại nợ theo chuẩn mực Việt Nam. Gần đây tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự tính nợ xấu tại các NHTM Việt Nam có thể cao gấp 4 lần con số được công bố, tức khoảng 13% tổng dư nợ.

Do lịch sử của quá trình phát triển, DNNN là người vay nợ chủ yếu của hệ thống ngân hàng và các ngân hàng do Nhà nước sở hữu (NHTM NN) cũng là nhà tài trợ vốn cho DNNN. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Quốc hội ngày 23/11/2011, có tới 30/100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có hệ số sử dụng “đòn bẩy nợ” rất cao, từ trên 3 lần tới hơn 10 lần vốn chủ sở hữu nhà nước. Qua đó có thể thấy đầu tư công thông qua các DNNN là khá lớn và nợ xấu cũng đang tập trung với quy mô lớn trong các DNNN.

Ở đây cần lưu ý rằng, vay nợ và nợ xấu là mối “lương duyên” của DN và NH. Tuy nhiên, nếu để tỷ lệ nợ xấu quá cao mà không được xử lý dứt điểm thì lại trở thành hiểm họa đối với nền kinh tế, là rào cản hạn chế hiệu quả của đầu tư công và hiệu quả kinh doanh của DN. Vì thế, muốn tái cơ cấu các DNNN sử dụng đòn bẩy nợ cao và đang “ôm” đống nợ xấu thì xử lý “tận gốc” vấn đề công nợ tồn đọng là yêu cầu đầu tiên phải làm. Việc xử lý nợ xấu như vậy sẽ phá vỡ mối liên kết nợ xấu giữa DNNN với NHTMNN để củng cố cơ cấu tài chính cho DNNN theo hướng lành mạnh hơn, đồng thời giúp cải thiện vấn đề thanh khoản của ngân hàng. Kinh nghiệm DATC xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu mấy chục DNNN thời gian qua cho thấy tái cơ cấu tài chính mà bước đầu là cơ cấu lại nợ bao giờ cũng là bước đi đầu tiên cần thiết trong bất kỳ bài toán tái cơ cấu doanh nghiệp.

·Được biết DATC không phải là tổ chức duy nhất hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ ở Việt Nam. Vậy vì sao nhiệm vụ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DNNN lần này lại chủ yếu được kỳ vọng đặt lên vai DATC, thưa ông?

- NHNN đã có quy định cho phép thực hiện mua bán nợ giữa các tổ chức tín dụng với các nhà đầu tư trên thị trường và đến nay ngoài DATC thì còn có khoảng 20 công ty xử lý nợ trực thuộc NHTM (AMC). Tuy nhiên, các AMC của ngân hàng có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu là quản lý và thu hồi nợ xấu cho ngân hàng mẹ qua các nghiệp vụ truyền thống nên giao dịch mua nợ từ các ngân hàng khác để xử lý hầu như không có.

Hơn nữa, việc xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc DNNN liên quan tới nhiều kỹ năng chuyên sâu và những thẩm quyền pháp lý phải được Nhà nước cho phép nên đến nay mới chỉ có DATC có thể thực hiện được. Kinh nghiệm quốc tế qua mấy kỳ xử lý khủng hoảng tài chính vừa qua cho thấy cần có một tổ chức xử lý nợ quốc gia hoạt động như một định chế trung gian để hỗ trợ xử lý nợ xấu ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp. Vì vậy, nghiệp vụ xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN mà DATC đang làm là mô hình phù hợp để thực hiện đề án của Chính phủ.

·Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa vừa qua cũng nêu ý kiến của mình về “thế khó” của DATC khi thiếu cơ chế hỗ trợ mua bán nợ xấu. Là người trong cuộc, ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đúng vậy, do là lĩnh vực hoạt động mới và rất đặc thù nên cơ chế và môi trường pháp lý cho hoạt động mua bán nợ còn rất sơ khai. Cơ chế hiện giờ khiến DATC rất khó “cựa quậy” để có thể hoạt động với quy mô lớn. Các NH tuy nợ xấu khá nhiều nhưng do không chịu áp lực phải xử lý nhanh nên họ cứ “từ từ” mà đàm phán bán nợ, được giá thì bán mà không được thì thôi, làm cho việc mua bán nợ tốn kém thời gian và chi phí tiền bạc. Bản thân DATC cũng không thể mua nợ xấu với bất cứ giá nào mà phải đàm phán đạt được giá mua tốt nhất để còn thu lợi nhuận. Với cơ chế hiện tại, việc xử lý nợ xấu chỉ mang tính cục bộ với quy mô nhỏ lẻ chứ không thể giúp Nhà nước giải quyết bài toán vĩ mô là xử lý tổng thể nợ xấu cùng với tái cấu trúc DNNN.

·Thưa ông, với tốc độ mua và xử lý nợ xấu rất chậm hiện nay thì đến “mốc” 2015 DATC cũng chỉ xử lý được một phần nhỏ nợ xấu. Theo ông, DATC cần sự đột phá gì để có thể hoàn thành mục tiêu này?

- Đến nay, DATC đã mua để xử lý hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu và hiện đang xem xét đàm phán mua để xử lý hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu khác. Tuy là thành công bước đầu nhưng kết quả đó mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nhu cầu cần được xử lý. Tôi cho rằng để DATC thực sự thực hiện được “sứ mệnh” của mình thì điểm đột phá cần làm là phải đánh giá, nhìn nhận lại mục tiêu tồn tại, vai trò và nhiệm vụ của DATC và cùng với nó là có những thay đổi thích hợp về chính sách và quy định pháp lý cho DATC hoạt động.

Do đó để DATC hoàn thành được sứ mệnh mới của mình theo tôi trước hết, cần coi DATC là một công cụ chính sách để Chính phủ xử lý nợ xấu và tái cấu trúc DNNN và vì thế nên xét lại mục đích kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo mô hình hiện tại. Đồng thời, cần có những quy định mang tính “cây gậy và củ cà rốt” để buộc các ngân hàng phải xử lý nhanh nợ xấu qua DATC, cho phép DATC được sử dụng những thẩm quyền riêng biệt của một tổ chức xử lý nợ quốc gia như toàn quyền xóa nợ theo phương án cơ cấu, quyền phê duyệt phương án cơ cấu DN mà không phụ thuộc các chủ nợ khác, quyền giám sát đặc biệt đối với doanh nghiệp cơ cấu, quyền cho vay hay bảo lãnh để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp...

Vì nợ xấu càng để lâu càng mất giá trị nên một trong những nguyên tắc của xử lý nợ xấu là “càng nhanh càng tốt”; vì vậy, ở nhiều nước có thẩm quyền riêng cho tổ chức xử lý nợ quốc gia hoạt động, như Hàn Quốc có luật cho Kamco, Malaysia có luật cho Danaharta, Thái Lan có luật cho Tamco... Kinh nghiệm này cũng nên được xem xét, vận dụng nhằm tăng cường năng lực hoạt động, năng lực tài chính và thẩm quyền tự chủ cho DATC hoạt động.

·Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam số 52+53 ngày 2/5/2012


Thống kê: 3.877.159
Online: 81