Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Thời gian gần đây, thông tin nợ xấu ngày càng đáng lo ngại. Những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Bianfishco, Hoàng Anh Gia Lai cũng không ngoại lệ. Từ đó cho thấy, việc xử lý nợ xấu là một vấn đề cấp bách. Ở khu vực DNNN, đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ thảo luận cũng đã chú trọng vấn đề này. Tuy nhiên, đơn vị đảm được chính nhiệm vụ này - Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) lại đang gặp nhiều khó khăn chưa thể phát huy tốt nhiệm vụ.

           Tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro và đổ vỡ

Thông tin Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) ngập trong nợ nần thời gian gần đây đã khiến hàng trăm lao động khốn đốn, người nuôi cá lao đao, chính quyền từ địa phương đến các bộ, ngành không thể bàng quan, Thủ tướng cũng đã phải có ý kiến chỉ đạo. Chỉ một phép tính đơn giản về thời gian, công sức, kinh phí bỏ ra để xử lý chuyện nợ nần của Bianfishco cũng có thể khẳng định chắc chắn là không hề nhỏ. Điều đáng quan tâm hơn là hệ lụy của việc ngập nợ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi cá tra và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Từ đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội, lòng tin người dân vào thời điểm kinh tế khó khăn... Nói như vậy để thấy thêm vai trò quan trọng của việc xử lý nợ nần, nhất là trong hoàn cảnh DN rã đám hàng loạt, các DNNN cũng ôm những món nợ lớn và Chính phủ cương quyết giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Sau khi Bianfishco vỡ nợ, lãnh đạo DATC

đã nhanh chóng vào cuộc tìm phương án xử lý nợ

Theo Đề án tái cơ cấu DNNN mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thảo luận cuối tháng 4 vừa qua, “thực trạng tài chính ở không ít tập đoàn, tổng công ty, DNNN rất yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài”. Theo đó, đề án nêu rõ: dư nợ vay ngân hàng của DNNN lớn, đến tháng 9/2011 là 415.347 tỷ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ tín dụng, trong đó, dư nợ cho vay 12 tập đoàn kinh tế của Nhà nước lên tới 218.738 tỷ đồng (Tập đoàn dầu khí là 72.300 tỷ, EVN 62.800 tỷ đồng, Vinacomin 20.500 tỷ đồng và Vinashin 19.600 tỷ đồng), tương đương 8,76% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước. Có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 07 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần (như TCT Xây dựng công nghiệp; TCT Xây dựng CTGT 1, TCT Xây dựng CTGT 5, TCT Xây dựng CTGT 8, TCT Xăng dầu quân đội; TCT Thành An; TCT Phát triển đường cao tốc). Sau những dẫn chứng đó, đề án nhận định: Tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả.

Trước tình hình đó, đề án lần này đã đưa ra những giải pháp mạnh, trong đó có tập trung nâng cao năng lực cho DATC để tạo thành trụ cột trong việc xử lý nợ, góp phần làm sạch tài chính.

Chỉ xử lý được khoảng 5.000 tỷ đồng

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, số nợ xấu hiện khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong đó, số nợ xấu của DNNN chiếm tỷ lệ không nhỏ và chủ yếu do DATC xử lý. Ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC cho biết: Hiện DATC không thể tham gia mua 100% nợ của các DNNN vì các khoản nợ này rất lớn. Theo tính toán của ông Quang, với mức chỉ mua bình quân 28-30% nợ gốc như mấy năm qua thì DATC chỉ có thể xử lý được khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu muốn thực hiện tiếp sẽ phải quay vòng vốn. Cùng với hạn chế về vốn, DATC cũng chưa thể phát huy hết vai trò năng lực là một công ty xử lý nợ mang tầm quốc gia vì thiếu những chế tài đặc thù để có thể hoạt động hiệu quả.

Chẳng hạn, thời gian vừa qua, DATC đã hỗ trợ nhiều DNNN cơ cấu nợ để chuyển thành CTCP. Tuy nhiên, tiến trình xử lý từ khi mua bán nợ xong đến khi CPH xong, ít nhất phải trình Thủ tướng Chính phủ xin xử lý tình huống cụ thể một lần. Việc chẫm trễ làm tăng thêm thua lỗ, thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời mất nhiều cơ hội trong sản xuất - kinh doanh.

Một khó khăn khác là trong quá trình triển khai cơ cấu lại DN, hiện còn vướng trong việc mua nợ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Có nhiều DN nợ cả NHTM lẫn VDB, mua được nợ ở các NHTM nhưng lại tắc ở VDB. Bên cạnh đó, các NHTM dù ý thức được yêu cầu xử lý nợ nhưng hiện họ không buộc phải làm nhanh nên việc bán nợ còn rất dè dặt: không tự thu hồi được thì bán, từ từ đàm phán được giá thì bán, còn không để đấy. Điều này khiến DATC gặp khó về nguồn hàng. Ngoài ra, khi thực hiện bán nợ cho DATC, DN phải bỏ ra một khoản tiền nhất định tương ứng với giá trị khoản mua của DATC với chủ nợ (thường là ngân hàng), khiến DN gặp khó khăn. Có ngân hàng không muốn bán nợ hoặc bán với giá rất cao nên DATC không thể mua được - thực chất là DN vẫn phải trả hoặc nợ DATC khoản mua này.

Cần lập Quỹ xử lý nợ xấu

Để giải quyết những vướng mắc trên, lãnh đạo DATC cho rằng Chính phủ thành lập “Quỹ xử lý nợ xấu thực hiện tái cơ cấu DN” và giao cho DATC vận hành với mục đích tối thiểu hóa chi phí xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DN (chứ không phải để kiếm lợi nhuận cho Quỹ). Quỹ hình thành từ vốn nhà nước, từ đóng góp của ngân hàng, từ chứng khoán hóa nợ xấu chuyển giao cho Quỹ và từ cơ chế phát hành trái phiếu ghi nợ DATC - Notes. DATC sử dụng Quỹ để mua/tiếp nhận nợ xấu từ các ngân hàng có nợ xấu cao cần giải cứu và thực hiện tái cấu trúc DN mắc nợ, qua đó, tăng cường thanh khoản cho ngân hàng. Với DN mắc nợ có tiềm năng, DATC sẽ tái cơ cấu DN để thu hồi nợ. Do các DN này thường khó vay vốn mới vì ngân hàng không muốn cho vay thêm, nên để thành công, DATC có thể sử dụng Quỹ để hỗ trợ vốn trong giai đoạn đầu DN tái cơ cấu, phục hồi hoạt động.

Bên cạnh đó, cần bổ sung cụ thể cơ chế xử lý cho DATC và cơ chế cho các DNNN thuộc diện cơ cấu nợ thông qua mua bán nợ, ví dụ: Quy định cụ thể về việc được chuyển nợ thành vốn góp của DATC và của các tổng công ty đối với DN thành viên chuyển đổi. Trường hợp sau khi xử lý tài chính, đánh giá lại vẫn còn âm vốn chủ sở hữu, nhưng thị trường chấp nhận, cổ đông chấp thuận mua cổ phần, đề nghị bộ chủ quản vẫn phê duyệt giá trị DN và phê duyệt phương án xử lý tài chính để làm căn cứ chuyển DNNN thành CTCP. Mặt khác, nên bổ sung quyền hạn cho DATC để Công ty chủ động hơn trong việc quyết định các phương án mua bán nợ và xử lý nợ. Ví dụ, quy định hiện nay, sau khi mua nợ, DATC được giảm trừ trách nhiệm trả nợ cho DNNN bằng số âm vốn chủ sở hữu là hơi cứng nhắc. Nên Quy định giao cho đơn vị mua bán nợ chủ động quyết định (dựa trên nguồn lực thực tế) sau khi cơ cấu nợ, vốn nhà nước tại DNNN vẫn còn, thì việc CPH sẽ hiệu quả hơn.

Riêng về hành lang pháp lý, ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC cho rằng nên ban hành thông tư hướng dẫn riêng cho DATC trong tái cơ cấu đối với các DN có giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện CPH. Mặt khác, ông Quang đề nghị có quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ xấu của NHTM và tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, khống chế thời hạn xử lý nợ, nếu quá thời hạn thì phải bán theo giá của tổ chức thẩm định trung gian. Trong trường hợp nguồn vốn của DATC không đủ để thực hiện mua nợ gắn với tái cấu trúc DN thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn (có hoàn trả) cho DATC, hoặc phát hành trái phiếu DATC (được định kỳ định giá lại) để thực hiện xử lý nợ. Đồng thời, cần sớm sửa đổi quy đinh về xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) theo hướng tạo quyền chủ động cho VDB như các NHTM.

Một số giải pháp xử lý nợ xấu DNNN

Khuyến khích các hoạt động mua bán nợ giữa các DNNN, NHTM và Công ty Mua bán nợ (DATC); tăng quy mô, nâng cao năng lực về tài chính, quản trị, trách nhiệm và vai trò của DATC. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ ban hành các cơ chế liên quan đến hoạt động của DATC theo hướng tạo quyền chủ động cho DATC trong xử lý nợ cho phù hợp với thông lệ quốc tế; Ban hành các hướng dẫn thủ tục, trình tự bán nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đẩy nhanh việc đàm phán mua nợ với VDB; Xây dựng cơ chế về việc yêu cầu các ngân hàng thương mại bán các khoản nợ xấu cho DATC hoặc bàn giao nguyên trạng các DNNN bao gồm các Tổng công ty Dâu tằm tơ, các doanh nghiệp thuộc Vinashin... Trong trường hợp nguồn vốn DATC không đủ để thực hiện mua nợ gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp, cho phép DATC được phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Chính phủ bảo lãnh) hoặc cho DATC được vay vốn có hoàn trả từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để thực hiện các nghiệp vụ tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với xử lý nợ. Ngoài ra, để án cũng nêu rõ sẽ tăng vốn điều lệ của DATC lên 5.000 tỷ đồng (hiện tại là 2.481 tỷ đồng). Đối với hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại khỏi giá trị doanh nghiệp, cần tăng cường tính chủ động cho DATC vì đây là những tài sản thực tế không cần hoặc còn rất ít giá trị. (Ví dụ như đối với các khoản nợ cần quy định thế nào là khoản nợ không có khả năng thu hồi cần đơn giản vì nợ do DATC tiếp nhận đã được xác định là nợ khó đòi và quy định thời hạn cấp có thẩm quyền quyết định xóa nợ.)

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 5/2012


Thống kê: 3.860.807
Online: 85