Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước vừa công bố kết quả thanh tra và kiểm toán cho thấy, nhiều công ty mẹ - tập đoàn đã cho các công ty con, thậm chí cho cả công ty bên ngoài vay vốn trái với quy định của Nhà nước. Thực chất, việc cho vay này nếu đánh giá trên cơ sở pháp luật thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn.

           Đơn cử, tại tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), TTCP vừa có kết luận việc công ty mẹ đã hỗ trợ vốn cho hai đơn vị thành viên (Công ty cổ phần Công trình Viettel và Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel) với tổng số tiền trên 535,45 tỉ đồng. Viettel còn cho vay ưu đãi số tiền 370 tỉ đồng với Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel với số lãi tính đến 31/12/2010 đã thu là trên 40 tỉ đồng. Theo TTCP, Viettel là doanh nghiệp không có chức năng tín dụng và cũng không có thẩm quyền cấp tín dụng ưu đãi.

Nhưng không chỉ có thế, người ta còn phát hiện trước đó, tháng 8-2009 Viettel đã ký thỏa thuận mua bán cổ phần với Tổng công ty cổ phần Vinaconex. Theo đó, Viettel nhận chuyển nhượng toàn bộ hơn 21,4 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần. Ngày 27/8/2009, Viettel đã chuyển hiwn 171 tỉ đồng thanh toán tiền mua cổ phiếu (đợt 1) và sau đó, Vinaconex chuyển trả lại toàn bộ số tiền trên. Đáng nói là tại thời điểm giao kết hợp đồng, Vinaconex chưa hề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bán cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Do đó, theo TTCP, thỏa thuận mua bán cổ phần nêu trên giữa Vinaconex và tập đoàn Viettel thực chất là hợp đồng vay vốn, tính lãi từ ngày 27/8/2009 đến ngày 8/1/2010 theo lãi suất tiền vay ngân hàng. Vinaconex phải trả tiền lãi cho Viettel là 7,7 tỷ đồng, nhưng đến nay, Viettel vẫn chưa thu số tiền lãi này.

Các công ty mẹ - tập đoàn này trước khi chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình công ty TNHH 1 thành viên theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì trước đây đều là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003. Các khoản cho vay của các công ty này có thể phát sinh trước hoặc sau giai đoạn chuyển đổi nhưng nếu phân chia theo từng giai đoạn thì các quy định của pháp luật đều cho phép các công ty mẹ cho vay vốn.

Việc các công ty mẹ - tập đoàn cho công ty con, công ty liên kết vay vốn đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể, toàn diện về hiệu quả.

Giai đoạn công ty nhà nước: việc cho vay vốn đã được Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 quy định, cụ thể tại điểm b, khoản 2, Điều 30 quy định về quyền hạn của Hội đồng quản trị cho phép HĐQT công ty nhà nước được “Quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc quyết định ... các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác vượt quá mức vốn điều lệ của công ty” và khoản 4 Điều 41 về quyền hạn của tổng giám đốc công ty nhà nước có Hội đồng quản trị được “Quyết định các ... các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê và hợp đồng kinh tế khác... theo phân cấp, ủy quyền của Hội đồng quản trị và theo Ðiều lệ công ty”. Ngoài ra, tại điểm b, khoản 2, Điều 22 Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ (là quy chế tài chính áp dụng cho các tập đoàn, tổng công nhà nước) đã xác định doanh thu của công ty nhà nước bao gồm “tiền lãi từ việc cho vay vốn”như vậy về nguyên tắc hoạt động cho vay vốn của các công ty mẹ - tập đoàn đã được khăng định là đúng và được pháp luật quy định.

Khi công ty mẹ - tập đoàn chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH 1 thành viên theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, tổng giám đốc trong việc cho vay vốn được quy định tại Điều lệ công ty (Điều 69, Điều 70 Luật Doanh nghiệp). Qua xem xét quy định về cho vay tại Điều lệ của các tập đoàn đều thấy các công ty này được phép cho vay vốn như Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) được ban hành kèm theo Quyết định số 466/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 tại khoản 13, Điều 16 quy định về quyền kinh doanh “Quyết định các hợp đồng vay, cho vay, thuê, cho thuê ... phù hợp với các quy định của pháp luật” và khoản 9, Điều 29 về quyền hạn của Tổng giám đốc cũng quy định như Điều 16 nêu trên. Điều lệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 190/QĐ-TTg ngày 29/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Tập đoàn này được cho vay vốn, tại khoản 8, Điều 16 Điều lệ về quyền hạn của Hội đồng thành viên “Quyết định các hợp đồng vay, cho vay... có giá trị trên 50% vốn điều lệ của PVN phù hợp với các quy định của pháp luật” và khoản 5, Điều 25 Điều lệ này quy định về quyền hạn của Tổng Giám đốc được “quyết định các hợp đồng vay, cho vay ... theo phân cấp hoặc ủy quyền của Hội đồng thành viên và pháp luật có liên quan”. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Sông Đà ban hành kèm theo Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 8/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng có những quy định về hoạt động cho vay vốn của Tập đoàn, cụ thể tại khoản 7, Điều 24 về quyền hạn của Hội đồng thành viên quy định “Quyết định các hợp đồng vay, cho vay ... có giá trị vượt quá mức vốn điều lệ của Sông Đà phù hợp với các quy định của pháp luật.” và tại khoản 8 Điều 33 về quyền hạn của Tổng giám đốc quy định “Quyết định các hợp đồng vay, cho vay ... có giá trị dưới mức vốn điều lệ của Sông Đà”.

Như vậy, việc cho vay vốn của các công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty đã được quy định rất đầy đủ từ Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Việc các tập đoàn, tổng công ty cho các doanh nghiệp thành viên vay vốn để các doanh nghiệp thành viên đẩy nhanh tiến độ các công trình do tập đoàn, tổng công ty làm chủ đầu tư hoặc việc cho vay vốn để giúp doanh nghiệp thành viên thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chính cũng là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cả cả tập đoàn, tổng công ty. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các Tổ chức tín dụng thắt chặt cho vay thì việc cho vay trong nội bộ Tập đoàn, Tổng công ty cũng cần phải được xem xét là một kênh hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn. Ngoài ra, việc cho vay vốn của các công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty hoàn toàn khác biệt với việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng. Các công ty này không huy động vốn để cho vay mà chủ yếu dùng tiền nhàn rỗi của mình để cho vay nên thuộc sự điều chỉnh của Bộ Luật dân sự mà không thuộc sự điều chỉnh của Luật tổ chức tín dụng. Đối tượng cho vay chủ yếu là các công ty con, công ty liên kết là các doanh nghiệp có sự chi phối về vốn, về quyền lợi và có mối liên kết chặt chẽ về công nghệ, thị trường, lợi ích kinh tế ... với công ty mẹ nên xét về góc độ quản trị thì hoạt động cho vay nội bộ này chủ yếu mang tính hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc huy động vốn, giúp doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về nguồn vốn khi chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay giải ngân các dự án vay vốn thì đây là một giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành viên.

Tập đoàn Sông Đà cho một số đơn vị thành viên vay lại với số tiền trên 3.900 tỷ đồng, chiếm 34,11%  tổng tài sản. Trong số này, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long vay trên 3.335 tỷ đồng thực hiện dự án nhà máy xi măng Hạ Long nhưng dự án này bị chậm tiến độ một năm và bị thua lỗ ...

Việc các công ty mẹ - tập đoàn cho công ty con, công ty liên kết vay vốn đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể, toàn diện về hiệu quả. Nhưng nếu cho vay theo hình thức tín chấp, thiếu ràng buộc pháp lý thì có thể dẫn đến những rủi ro tiềm tàng nếu không có các biện pháp kiểm soát cần thiết và hữu hiệu. Tuy nhiên, đối với trường hợp các doanh nghiệp thành viên do công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty chi phối thì vấn đề cho vay tín chấp hoặc cho vay có tài sản đảm bảo một phần là có thể chấp nhận và sẽ hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp thành viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ban Đầu tư - DATC


Thống kê: 3.839.199
Online: 63