DATC phối hợp với VAMC và ADB tổ chức Hội thảo đào tạo Diễn đan

DATC phối hợp với VAMC và ADB tổ chức Hội thảo đào tạo Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế IPAF lần thứ 6. Ảnh: PV

Ông Dương Thanh Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH DATC, đã dành cho phóng viên TBTCVN cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh dấu mốc mới này của công ty.

* PV: Xin ông cho biết một số điểm mới quan trọng của Nghị định 129 quy định về hoạt động của Công ty TNHH DATC?

- Ông Dương Thanh Hiền: Nghị định 129 đã quy định thêm một số nội dung mới liên quan đến phạm vi, đối tượng, cơ chế hoạt động của DATC. Cụ thể, về phạm vi, hoạt động: sẽ mở rộng việc mua bán, xử lý nợ và tài sản bao gồm cả các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công ty không chỉ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà còn tham gia tái cơ cấu các DN thuộc các thành phần kinh tế khác thông qua hoạt động mua, xử lý nợ. Trong hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản, đối tượng DATC tiếp nhận cũng mở rộng thêm bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hoá theo quy định của Chính phủ và các khoản nợ, tài sản tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước.

Về cơ chế hoạt động: cơ chế xử lý nợ được bổ sung thêm các quy định mới để tăng cường hoạt động xử lý, thu hồi nợ của DATC. Theo đó, DATC có thể thu hồi nợ trực tiếp từ bên nợ và các bên liên quan bằng tiền, tài sản, các công cụ nợ; quản lý, đầu tư, khai thác, xử lý tài sản đảm bảo; bán nợ; chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên nợ sang bên thứ ba; ủy thác thu hồi nợ hoặc thu hồi nợ thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ; chuyển nợ thành vốn góp tại DN; cơ cấu lại nợ; giảm trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ…

Đặc biệt, nghị định cũng quy định một số cơ chế hoạt động đặc thù cho DATC để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sở hữu DNNN và các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Về cơ chế hỗ trợ tài chính, nghị định quy định DATC được phép hỗ trợ tài chính đối với DN tái cơ cấu bằng các hình thức như: cho vay vốn với các DN DATC sở hữu trên 50% vốn đang gặp khó khăn về tài chính; bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

* PV: Với những nội dung mới này, hoạt động của DATC sẽ có những thay đổi ra sao so với trước, thưa ông?

- Ông Dương Thanh Hiền: Trước hết, nghị định này ra đời đã nâng cao địa vị pháp lý và vị thế hoạt động mới cho DATC, sau 17 năm công ty ra đời và hoạt động, theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này phù hợp với thực tiễn hoạt động của DATC cũng như định hướng phát triển thị trường mua bán nợ có sự tham gia của các định chế tài chính của Nhà nước.

Bên cạnh đó, những nội dung mới trong nghị định như: bổ sung thêm đối tượng tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ về chuyển đổi sở hữu DNNN, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hoá theo quy định của Chính phủ và tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước sẽ làm giảm bớt sự lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước và tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng, có hiệu quả đối với các đối tượng này.

Thực tế, tại một số DN mà DATC thực hiện tiếp nhận hoặc mua, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định thì có một số dự án tồn đọng. Tuy nhiên do chưa có cơ chế nên DATC không tiếp nhận hay mua lại dự án này để tiếp tục đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước.

Hay việc bổ sung quyền cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các DN được DATC tham gia tái cơ cấu sẽ giúp các DN là đối tượng được DATC hỗ trợ (DATC có vốn góp chi phối) đang gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ có thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho DN, tạo điều kiện để DN sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tất nhiên, việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải đảm bảo gắn với phương án tái cơ cấu trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn, phù hợp quy định của pháp luật.

Việc bổ sung cơ chế chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu theo lô thì tạo điều kiện cho DATC thoái vốn theo đúng thời gian quy định sau khi thực hiện tái cơ cấu DN, thu hồi được cả vốn và nợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới tiếp nối hoạt động tái cơ cấu DN của DATC.

* PV: DATC được xác định vai trò là công cụ tài chính quan trọng của Chính phủ trong sắp xếp, tái cơ cấu trực tiếp nhiều DN, tập đoàn lớn. Đây cũng là mô hình phổ biến ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên đến nay, vị thế, quy mô của DATC còn khiêm tốn so với các định chế tương tự ở các nước, hay ngay cả với tổ chức trong nước ra đời sau như VAMC. Ông nghĩ sao về điều này và theo ông cần làm gì để nâng cao hơn nữa vai trò của DATC?

- Ông Dương Thanh Hiền: Ngay tại Quyết định 109 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty Mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, nay là DATC, đã chỉ rõ một trong những mục tiêu trọng tâm của DATC là góp phần lành mạnh hoá tài chính DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN. Trong suốt 17 năm hoạt đông, DATC vẫn luôn hoàn thành tốt mục tiêu này.

Nghị định số 129 vừa ban hành tiếp tục đưa ra mục tiêu trọng tâm cho DATC là “Hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản”.

Trong khi đó, một trong những mục tiêu của Chính phủ khi thành lập DATC nhằm mục đích xây dựng mô hình mẫu và định hướng cho việc hình thành và phát triển một số định chế tài chính trung gian như: công ty mua bán nợ, dịch vụ đòi nợ thuộc các thành phần kinh tế khác, qua đó hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, kêu gọi các DN thuộc các thành phần kinh tế khác cùng tham gia lĩnh vực thực hiện mua bán xử lý nợ trong nền kinh tế. Quy mô nợ xấu ngày càng tăng nên càng cần có nhiều nguồn lực để xử lý. Trên thực tế thì DATC là DN đi đầu trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ trên thị trường hiện nay.

Mặt khác, theo kế hoạch của Chính phủ, quá trình cổ phần hoá DNNN cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2025, khi đó đối tượng DNNN để DATC hỗ trợ không còn nhiều. Do đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DNNN, DATC sẽ tập trung nguồn lực cho hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường để phát huy hết tiềm lực hỗ trợ xử lý nợ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để DATC có thể phát huy hết được tiềm năng, kinh nghiệm tích luỹ gần 20 năm qua thì tới đây cơ chế hoạt động cho công ty cần được mở rộng và nâng cao nhiều hơn nữa để theo kịp với sự phát triển của thị trường cũng như tương xứng với vai trò, nhiệm vụ của công ty.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Mở rộng cơ chế hoạt động để Công ty Mua bán nợ Việt Nam phát huy hết tiềm năng

Theo ông Dương Thanh Hiền, để Công ty Mua bán nợ Việt Nam có thể phát huy được hết tiềm năng thì cơ chế hoạt động cho công ty cần được mở rộng và nâng cao hơn. Đơn cử như cần cơ chế mở rộng phạm vi kinh doanh, không chỉ là nợ xấu và tài sản mà bao gồm cả dự án dở dang, dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác. Hay bổ sung chức năng để phát triển ngành nghề mới hỗ trợ ngành kinh doanh chính, qua đó hỗ trợ trực tiếp hoạt động mua bán xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu; chế độ trích lập dự phòng mua nợ, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam tại các doanh nghiệp tái cơ cấu cho phù hợp…