Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Mua bán, xử lý nợ xấu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) luôn bền bỉ thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp đang được đẩy mạnh thực hiện như hiện nay, vai trò của DATC tiếp tục được khẳng định.

Khẳng định sức bền

Được thành lập từ năm 2003, với chức năng, nhiệm vụ ban đầu là mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN), góp phần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, DATC đã nỗ lực không ngừng nghỉ thực hiện sứ mệnh của mình.

Kỳ vọng đặt ra ngay từ khi thành lập đã được DATC hiện thực hóa khi góp phần giải quyết những tồn tại về tài chính nhằm thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hoá, đổi mới DNNN. Đồng thời, thúc đẩy tiến trình hình thành, phát triển và tạo thêm nguồn hàng hoá cho thị trường tài sản và thị trường vốn. Qua đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường trong nền kinh tế quốc dân đi đôi với việc tạo lập khung pháp luật đảm bảo sự quản lý và giám sát của Nhà nước.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa khoảng 3.000 DN, trong đó, có hơn 1.000 DN của Trung ương. Công ty đã tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa của hầu hết các DNNN. Song song với việc tiếp nhận, DATC đã chủ động, tích cực xử lý nhanh có hiệu quả các khoản nợ và tài sản tồn đọng để tăng cường khả năng thu hồi vốn về cho Nhà nước. Đồng thời, hoàn thành việc xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận khi cổ phần hóa các DNNN, đã thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần giải phóng nhanh kho bãi, mặt bằng… tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đã cổ phần hóa sớm triển khai được các kế hoạch phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đề ra.

Song song với đó, DATC đã thực hiện hàng trăm phương án mua bán nợ theo thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ để xử lý tài chính tái cơ cấu doanh nghiệp và thu hồi nợ. Giúp các ngân hàng thương mại nhà nước xử lý nhanh được một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính cho DN, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng.

Trong hành trình trên 1 thập kỷ qua, cộng đồng DN, nền kinh tế còn ghi nhận những thành quả không nhỏ của DATC trong xử lý nợ xấu, thực hiện tái cơ cấu DN. Rất nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, ở giai đoạn “trọng bệnh” đã “hồi sinh” sau khi DATC xử lý nợ xấu, tiến hành tái cơ cấu. Điển hình như: Công ty Mía đường Sơn La, Công ty Mía đường Kon Tum, Công ty Sadico Cần Thơ, Công ty Công trình Giao thông 677, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco)…

Tính đến nay, DATC đã xử lý trên 50 nghìn tỷ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ từ các ngân hàng thương mại nhà nước và khoảng 90% được mua từ năm 2007 đến nay gắn với tái cơ cấu DN khách nợ. Việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN khách nợ đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính.

Chỉ tính riêngtrong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số nợ DATC đã mua, xử lý 2.735.352 triệu đồng.

Hiện DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho trên 20 tập đoàn, tổng công ty là những DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, tích cực góp phần thực hiện lộ trình cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước của Chính phủ thành công.

Triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao, trong những tháng đầu năm, DATC tiếp tục xử lý nợ, tái cơ cấu Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Haprocimex…

Thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Công ty thực phẩm Miền Bắc), DATC đã triển khai mua 939,689 tỷ đồng nợ phải thu của các ngân hành nâng tổng số nợ đã mua của các ngân hàng tại Công ty thực phẩm Miền Bắc là 1.299.499 triệu đồng và đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục tái cơ cấu chuyển đổi thành Công ty cổ phần.

Xử lý tài chính chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên Haprocimex, sau khi được UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương thực hiện tái cơ cấu theo phương thức xử lý nợ, xử lý tài chính. Đến nay, DATC đã mua khoản nợ 530,690 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng và đang phối hợp với UBND TP. Hà Nội để xử lý tài chính, chuyển đổi Haprocimex thành công ty cổ phần.

Bám sát các nguyên tắc

Để có được các thành công trên, một trong những nguyên tắc căn bản là muốn tái cơ cấu DN thành công thì nợ xấu phải được xử lý dứt điểm. Nguyên tắc này luôn được DATC nắm chắc thực hiện trong suốt quá trình hoạt động của mình. Hoạt động mua bán nợ đang là một lối thoát cho các DN đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới phục vụ cho việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình quản trị DN, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động SXKD. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới cũng cho phép DN có thể tiếp cận các mô hình quản trị mới, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tạo cơ hội cho việc tham gia vào các thị trường mới...

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, DATC cũng luôn tuân thủ quy trình chuẩn trong kiểm soát rủi ro, từ việc phải tự tìm hiểu thông tin về DN; đàm phán mua nợ từ các chủ nợ và đàm phán với chủ sở hữu DN để chuyển nợ thành vốn góp tại DN (đây là cách cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN, làm giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN và cũng là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu); tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau tái cơ cấu; chuyển đổi mô hình DN thành công ty cổ phần; tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của DN; tái cơ cấu hoạt động SXKD, cơ cấu thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu; hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, xây dựng mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động SXKD…

Không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế

Trong xu thế hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, để hướng đến sự phát triển vươn tầm quốc tế, DATC đã có những bước đột phá khi mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính quốc tế.

Điển hình như, DATC hợp tác có hiệu quả với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Diễn đàn IPAF, Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO), Công ty IGPI – Nhật Bản…

Theo đó, các dự án đã và đang thực hiện có hiệu quả như: Hỗ trợ đánh giá sơ bộ khuôn khổ pháp lý, năng lực tài chính và nhu cầu tăng cường hoạt động của DATC; Dự án Hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng của DN; Dự án sổ tay xử lý nợ tồn đọng và các chương trình đào tạo về nghiệp vụ xử lý nợ; Tăng cường năng lực tài chính DN triển khai tái cấu trúc DNNN; Hỗ trợ DATC xây dựng Nghị định và chiến lực hoạt động; Thực hiện quy trình soát xét toàn diện và lập kế hoạch tái cơ cấu DN; Nghiên cứu tính khả thi hoạt động bán đấu giá tài sản công trực tuyến tại Việt Nam…

Với những nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, hiện DATC đã trở thành thành viên sáng lập Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế - IPAF. DATC đã tham gia các Chương trình diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm, tri thức trong hoạt động mua bán, xử lý nợ/tài sản của các công ty AMC. Đặc biệt, trong năm 2015, Công ty đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh, làm việc với các công ty AMC lớn của Trung Quốc. Đồng thời, DATC hợp tác với các ngân hàng nước ngoài như: Ngân hàng Ngoại thương Trung Quốc – ICBC, Ngân hàng Sumitôm Mitsui Banking Corporation- SMBC, Ngân hàng Bank of Tokyo Misubishi – UFJ nhằm mua bán, xử ltý nợ, tái cơ cấu DN…

Trong bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã vinh dự đứng ở vị trí 268. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đường Kontum (KTS) và Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) là hai doanh nghiệp được DATC thực hiện tái cơ cấu thành công cũng đã vinh dự lọt vào bảng xếp hạng với thứ tự xếp hạng lần lượt là 419 và 706. Đây là năm thứ 3 Công ty Mua bán nợ Việt Nam lọt vào trong Bảng xếp hạng V-1000 với vị trí 119 trong Bảng xếp hạng V-1000 năm 2010 và vị trí 236 trong Bảng xếp hạng V-1000 năm 2012.

Tạp Chí Tài Chính


Thống kê: 3.839.148
Online: 61