Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Không phải doanh nghiệp nào trong lĩnh vực bất động sản hay vật liệu xây dựng khi gặp khó khăn, bị “out” khỏi sàn chứng khoán cũng thuộc dạng “bỏ đi”. Việc xác định có phương án “cứu” doanh nghiệp không quá khó nếu như chúng ta thực sự bắt tay vào cuộc.

            Cứu Vitaly vì doanh nghiệp có thị trường

Dư luận đặt ra câu hỏi về tính khả thi của phương án tái cơ cấu Công ty CP Vitaly (Mã chứng khoán VTA) - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).

Trao đổi với phóng viên, các chuyên viên mua bán nợ của DATC - những người trực tiếp tham gia thẩm định và thực hiện phương án tái cơ cấu Vitaly cho biết, chúng ta nên “cứu” những doanh nghiệp có sản phẩm tốt, có thị trường và có khả năng phát triển đầu ra cho sản phẩm. Vitaly là một trong nhiều trường hợp như vậy trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Lý giải về nhận định này, DATC đưa ra 5 yếu tố đảm bảo cho tính khả thi của phương án tái cơ cấu Vitaly: Thứ nhất và quan trọng nhất với một phương án tái cơ cấu là vấn đề con người. Hiện tại bộ máy nhân sự của Vitaly đang tiếp tục được củng cố qua thời gian dài “thử lửa” khi mà trong thời điểm doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, đội ngũ quản lý điều hành của doanh nghiệp vẫn tiếp tục ở lại bám trụ. Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - cổ đông lớn của Vitaly đã có động thái thay đổi giám đốc điều hành là người tâm huyết với nghề và có kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Đội ngũ công nhân kỹ thuật, quản đốc đều là những người cũ của Công ty, gắn bó lâu năm, biết điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp

Thứ hai, tổng công suất của 5 dây chuyền trong doanh nghiệp hơn 6 triệu m2/năm, trong đó, có 4 dây chuyền đồng bộ của Italy, còn dây chuyền thứ 5, tuy không đồng bộ nhưng chắt lọc được cả những kỹ thuật tiên tiến của cả Trung Quốc lẫn Châu Âu.

Thứ ba, ngoài thị trường nội địa, doanh nghiệp đang bắt đầu đẩy mạnh thị trường xuất khẩu để nâng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa. Hiện Vitaly đang xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan, Srilanka, Campuchia, Myanmar và tiến tới xuất khẩu vào thị trường Trung Đông.

Thứ tư, nhờ đã có uy tín trên thị trường, Vitaly tiếp tục tận dụng nguồn lực của các đại lý, nhà phân phối.

Cuối cùng và cũng là yếu tố quyết định sự “hồi sinh” của Vitaly, doanh nghiệp đã được DATC xử lý tồn tại tài chính nên tổng dư nợ phải trả đã giảm được 95 tỷ đồng, số nợ còn lại cũng được điều chỉnh giãn thời gian trả nợ trong 7 năm kể từ năm 2013.

“Vì vậy, doanh nghiệp đủ cơ sở phục hồi và tính khả thi của phương án tái cơ cấu được bảo đảm: - DATC cho hay.

Có “nhân” mới nên “duyên”

Có thể thấy sự chủ động của lãnh đạo Vitaly khi đặt niềm tin vào DATC nhằm tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp. Sau khi đàm phán để giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất cho doanh nghiệp tình hình tài chính của Vitaly không được cải thiện đáng kể. Thông qua một khoản nợ phải trả của Vitaly trong quá trình cổ phần hóa, được chuyển về bộ phận tiếp nhận của DATC, bà Nguyễn Thị Năm - Tổng Giám đốc Vitaly đã trực tiếp làm việc với DATC về tình hình cụ thể của Vitaly. Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, DATC nhận thấy khả năng tái cơ cấu Vitaly có thể thành công.

“Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp là tồn tại tài chính” - lý giải về vấn đề này, đại diện DATC cho biết.

Chỉ sau khi có mặt DATC, Vitaly mới được xóa nợ, cơ cấu nợ và chuyển nợ thành vốn góp. Trong số gần 150 tỷ nợ ngân hàng, sau khi mua nợ DATC đã xóa nợ cho doanh nghiệp trên 75 tỷ đồng, chuyển nợ thành vốn góp 20 tỷ đồng. Tổng cộng, DATC đã xử lý tài chính cho doanh nghiệp là 95 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi tái cơ cấu, Vitaly sẽ bắt đầu có lãi ngay từ năm đầu tiên và 2-3 năm nữa sẽ bù đắp đủ số lỗ lũy kế còn lại. Khi đó, Vitaly sẽ đủ điều kiện để quay lại Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Thời báo Tài chính Việt Nam số 135 ngày 11/11/2013


Thống kê: 3.908.235
Online: 169