Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Hiện các Tập đoàn, Tổng công ty đang đẩy mạnh xử lý nợ, tái cơ cấu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn riêng về hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Điều này khiến việc thỏa thuận nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp của đơn vị chính đảm đương nhiệm vụ này - Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) gặp nhiều khó khăn.

            Hiện khung pháp lý hướng dẫn riêng cho hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn chưa được bổ sung. Do vậy, việc thống nhất, thỏa thuận với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, các Tổng công ty 91 về nội dung tái cơ cấu các DNNN không còn vốn nhà nước thông qua hoạt động mua, bán và xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn, không đồng nhất. Một số Bộ, ngành, UBND tỉnh áp dụng như đúng quy trình CPH DN 100% vốn nhà nước. Trong khi đó, không ít Bộ, ngành, UBND tỉnh lại cho rằng các DNNN này không có vốn nhà nước làm vốn chủ sở hữu nhà nước nên vận dụng theo Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành để chuyển đổi sở hữu. Với nhiệm vụ được giao, DATC sẽ xử lý tồn tại tài chính tương đương với phần âm vốn chủ sở hữu. Sau đó, các nhà đầu tư chiến lược góp vốn trực tiếp cùng DATC thành lập công ty cổ phần và có trách nhiệm kế thừa nghĩa vụ và quyền lợi theo hiện trạng thực tế của doanh nghiệp.

Mặt khác, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC thường do DATC tự xây dựng phương án trên cơ sở các kinh nghiệm tự tích lũy trong quá trình hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, không có tiêu chuẩn, chuẩn mực cho hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều này dẫn đến một số phương án tái cơ cấu không đạt được mục tiêu, hiệu quả đề ra ban đầu. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp gắn với xử lý nợ thường được coi như hoạt động đầu tư tài chính thuần túy. Hoạt động này đòi hỏi phải có lợi nhuận ngay tại thời điểm đầu tư và lợi nhuận phải cao hơn mức lãi suất ngân hàng, dẫn đến khi xác định hiệu quả đầu tư thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC thường không cao và bị đánh giá là không hiệu quả.

Hơn nữa, nội dung cơ sở pháp lý liên quan đến phương thức xử lý nợ chưa thực sự giải quyết hết tồn tại và khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp khách nợ. Cụ thể, sau khi mua nợ từ tổ chức tín dụng, DATC phải thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp như chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất và giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ. Hiện mức lãi suất áp dụng cho khách nợ không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ (đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước phải cộng thêm 1%/năm vào mức lãi suất áp dụng cho các DNNN).

Như vậy, do chưa có Thông tư hướng dẫn riêng về hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp và qua thực tế diễn ra không có sự đồng nhất nên có thể xảy ra rủi ro về mặt pháp lý cho DATC.

Hiện sau khi hoàn thành tái cơ cấu, các doanh nghiệp khách nợ được theo dõi trong danh mục đầu tư ra ngoài của DATC. Trong khi đó, việc xem xét đánh giá hoạt động đầu tư ngoài ngành thường căn cứ vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư. Do đó, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bất động sản hay tài chính, DATC sẽ bị đánh giá là đầu tư trái ngành.

Đối với các quy định về giảm trừ nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp và quy định về mức xóa tối đa không quá âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của khách nợ. Các quy định này đã làm hạn chế và làm giảm hiệu quả của phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Vì nhiều doanh nghiệp thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, việc xóa nợ bằng âm vốn chủ sở hữu không giải quyết được triệt để khó khăn của doanh nghiệp. Thực tế, dù được xóa nợ nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì số lỗ lũy kế phát sinh trước thời điểm tái cơ cấu và vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước. Mức lãi suất thương mại đến từ 2-3% nên các doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, bởi báo cáo tài chính vẫn phản ánh các chỉ tiêu tài chính yếu kém.

Thêm vào đó, cơ chế quản lý khoản đầu tư góp vốn bằng chuyển nợ, tài sản thành vốn góp chưa thích hợp với tính chất hoạt động của DATC. Việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp khách nợ là giải pháp để thu hồi vốn mua nợ, tài sản. Đây cũng có thể xem là hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của DATC theo đúng bản chất của nó. Thực chất, việc góp vốn bằng giá trị khoản nợ, tài sản đó là cho chủ sở hữu doanh nghiệp khách nợ. Chủ sở hữu đã đồng ý mua khoản nợ, tài sản đó với giá bằng giá trị khoản vốn DATC có trong doanh nghiệp. Không thể xem khoản vốn góp này khác với khoản vốn góp bằng tiền hay tài sản khác trong hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của DATC nên việc khống chế thời hạn góp vốn bằng các khoản nợ, tài sản mua theo thỏa thuận không quá 5 năm là không phù hợp.

Một vấn đề khác là việc thoái vốn đầu tư hoặc thoái vốn và nợ tại doanh nghiệp tái cơ cấu đã thu hết giá vốn mua nợ, tổng thể phương án có lãi gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính của DATC, khi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tại các công ty cổ phần chưa niêm yết phải thực hiện đấu giá công khai, minh bạch, bảo toàn vốn và phù hợp với giá thị trường. Việc xác định giá thị trường rất khó thực hiện do các công ty cổ phần có vốn đầu tư của DATC đều được hình thành thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp nên gần như không có giao dịch trên thị trường. Nếu xác định giá bán theo sổ sách của doanh nghiệp, DATC sẽ phải mất thêm khoản chi phí không nhỏ để thuê thẩm định giá và không thể đưa ra giá bán thấp hơn mệnh giá do lo ngại về rủi ro pháp lý và cũng không thể thực hiện cơ chế bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư chiến lược dẫn đến thời gian thoái vốn và nợ kéo dài, mất cơ hội kinh doanh.

Trong quá trình DATC mua nợ có những khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc sau khi mua cùng với việc tái cơ cấu lại khoản nợ, DATC nhận giá trị quyền sử dụng đất thay cho khoản nợ của khách nợ như ở Công ty Cầu 7 Thăng Long, Công ty cổ phần Nông thủy sản 2, Công ty cổ phần Nhôm Khánh Hòa. Do DATC không có chức năng kinh doanh bất động sản nên DATC không được cấp phép khai thác tài sản, DATC phải bán quyền sử dụng đất để thu hồi vốn. Điều đó làm hạn chế hiệu quả hoạt động mua nợ, nhất là trong thời kỳ hoạt động kinh doanh bất động sản trầm lắng như hiện nay.

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số tháng 9/2013


Thống kê: 3.908.459
Online: 66