Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Thông tin từ Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho biết, DATC sẽ tham gia tái cơ cấu những đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy (Vinashin), theo đúng chủ trương của Thủ tướng đã phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu Tập đoàn này.

            Theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinashin của Thủ tướng thì, việc tái cơ cấu Vianshin phải thực hiện trên cơ sở không ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô cũng như môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; Duy trì đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề trong lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư; Khai thác, sử dụng hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư…

Nhiệm vụ “bất khả thi”

Đề án cũng nêu rõ, thời gian tái cơ cấu Vinashin trong 3 năm từ 2011-2013. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của những điều kiện khách quan cũng như chủ quan, việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc Vinashin còn một số tồn tại nhất định, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu Tập đoàn. Bởi vậy, cần thiết phải có sự tham gia của DATC để mua bán nợ và tái cơ cấu những đơn vị này.

Trong danh sách những doanh nghiệp mà Vinashin cung cấp, DATC sẽ chủ động khảo sát, đánh giá hướng tới mục đích tái cơ cấu tổng thể cho doanh nghiệp. Chỉ những trường hợp không đủ điều kiện để tái cơ cấu thì mới đề nghị cho giải thể, phá sản.

 Ông Phạm Thanh Quang - Tổng Giám đốc DATC cho biết: DATC đang khẩn trương tiếp cận và rà soát kỹ những doanh nghiệp nằm trong danh sách Vinashin cung cấp, mất  thời gian khoảng 2-3 tháng, nhằm đánh giá sơ bộ khả năng thu hồi vốn, khả năng tái cơ cấu lại,… trước khi có chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Tài chính. Sau hơn 1 tuần, không kể ngày nghỉ, DATC đã khảo sát, đánh giá sơ bộ trên 10 doanh nghiệp. Dự kiến, DATC sẽ có một báo cáo ngắn gọn về thực trạng các doanh nghiệp trình lãnh đạo cấp trên.

Cũng tại thời điểm này, DATC kiện toàn lại tổ chức, tham vấn ý kiến của Hội đồng quản trị về việc thành lập Phòng chuyên trách về Vinashin theo nhiệm vụ mới. Ông Quang cho biết, đây là phòng sẽ chuyên trách thực hiện tái cơ cấu, làm việc trực tiếp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, các trung tâm của DATC trong việc tham gia mua bán nợ và tái cơ cấu các doanh nghiệp của Vinashin. Phòng Chuyên trách về Vinashin do Tổng Giám đốc DATC trực tiếp chỉ đạo sẽ có nhiệm vụ tổng hợp các kiến nghị để đánh giá và báo cáo, đồng thời xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình tái cơ cấu.

Xử lý nợ nhanh để giảm thiệt hại

Mục tiêu của DATC là giải thoát nợ cho các doanh nghiệp thật nhanh. Vì hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều trong tình trạng “chết lâm sàng”. Càng để lâu, lãi mẹ đẻ lãi con, người lao động không có việc làm, tài sản xuống cấp biến thành đồ phế thải, công nợ dềnh lên, quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động càng ngày càng xấu đi do nợ lương, nợ bảo hiểm và rất nhiều hệ lụy khác, thì việc xử lý nợ và cơ cấu doanh nghiệp càng trở nên khó khăn gấp nhiều lần.

Một chuyên viên mua bán nợ của DATC cho biết, cần khảo sát thật nhanh thực trạng của doanh nghiệp để sớm đưa ra phương án xử lý nợ. DATC làm được càng nhanh thì càng giảm được thiệt hại cho doanh nghiệp, cho nhà nước.

Để trả lời cho câu hỏi, mục tiêu DATC xử lý được nợ cho các doanh nghiệp trực thuộc Vinashin trong thời gian ngắn nhất, có khả thi? Ông Quang khẳng định, với kinh nghiệm 7 năm hoạt động trong một lĩnh vực nhiều rủi ro và thách thức như mua bán nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, thì việc phải tiến hành thật nhanh giải thoát nợ xấu cho các doanh nghiệp này là điều rất khó, nhưng vẫn đạt được hiệu quả mong muốn khi có sự hỗ trợ và giao quyền chủ động nhất định cho DATC.

Ông Quang cho biết, con người là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của DATC khi thực hiện trọng trách này. DATC cần được bổ sung thêm các chuyên gia giỏi về tài chính, kế toán, kiểm toán; những chuyên gia am hiểu và có kinh nghiệm thực tế trong từng lĩnh vực chuyên môn của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không thể thiếu những giải pháp về tài chính như bổ sung vốn hay tháo gỡ và bổ sung về cơ chế cho DATC./.

Theo Thời báo Tài chính số 80 ngày 5/7/2013


Thống kê: 3.870.852
Online: 46