Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Do không có đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng, nên bảo lãnh cho vay thông qua bên thứ 3 được xem là phao cứu sinh cuối cùng của doanh nghiệp trên bờ vực phá sản đang thực hiện tái cơ cấu. Thế nhưng, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) - đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu cho các doanh nghiệp yếu kém hiện không được phép bảo lãnh để các đơn vị này tiếp cận nguồn vốn. Điều này khiến quá trình tái cơ cấu của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

           Thiếu bảo lãnh, doanh nghiệp lãnh đủ

Với tình trạng Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn để tái đầu tư như hiện nay thì bảo lãnh vay vốn đang được xem là biện pháp cấp thiết hóa giải cơn khát vốn của doanh nghiệp. Bởi việc bảo lãnh ngân hàng là cam kết bằng văn bản của bên thứ 3 bảo lãnh với bên có quyền về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ cam kết với bên nhận bảo lãnh. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp bên bờ vực phá sản đang thực hiện tái cơ cấu thì việc bảo lãnh vay vốn sẽ tăng thêm nguồn lực để về đích sớm hơn. Vì doanh nghiệp đang tái cơ cấu luôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng do bị xếp hạng tín dụng thấp, cũng như không dễ có được vốn mới từ các nhà đầu tư.

Thế nhưng, với các điều kiện mà các tổ chức bảo lãnh hiện có đặt ra thì doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được. Trong khi đó, dù được giao nhiệm vụ mua nợ tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng DATC lại không được phép cho doanh nghiệp đã tái cơ cấu vay hoặc bảo lãnh vay vốn. Điều này khiến quá trình tái cơ cấu sẽ rất hạn chế vì doanh nghiệp không có đủ nguồn tài chính để thực hiện phương án đề ra.

Chứng thư bảo lãnh - bớt rủi ro, tăng giá trị

Một số chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang tái cơ cấu tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng thì DATC cần phải được bảo lãnh vay vốn. Theo đó, DATC sẽ là người thứ ba làm cầu nối ngân hàng và doanh nghiệp gặp gỡ và hỗ trợ nhau. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ là nơi thẩm tra tính khả thi của dự án và cấp chứng thư bảo lãnh. Đối với các NHTM thì chứng thư bảo lãnh của DATC có giá trị thế chấp cao hơn so với tài sản thế chấp của doanh nghiệp, vì bảo đảm an toàn hơn. Tuy nhiên, DATC chỉ thực hiện bảo lãnh đối với các doanh nghiệp mà đơn vị này đã và đang tái cơ cấu. Bởi trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, hơn ai hết, DATC là người hiểu nhất doanh nghiệp cần vốn để làm gì. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn, DATC còn tư vấn giúp doanh nghiệp tìm được giải pháp và hướng đi phù hợp hơn. Cụ thể, khi có nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn đến DATC. Trong khoảng thời gian 20 - 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, đơn vị này sẽ tiến hành thẩm định. Nếu đủ điều kiện thì DATC sẽ có văn bản chấp thuận bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, và nếu không đủ điều kiện thì doanh nghiệp cũng sẽ được thông báo lý do cụ thể. Sau đó, căn cứ đề nghị vay vốn của doanh nghiệp và văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh, các NHTM sẽ xem xét và ký Hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp. Sau khi có Hợp đồng tín dụng, chi nhánh sẽ tiến hành ký Hợp đồng bảo lãnh vay vốn; Hợp đồng bảo đảm bảo lãnh và phát hành chứng thư bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn tại các NHTM. Trên cơ sở kết quả thẩm định dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng tài chính của các bên, DATC có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại NHTM. Thời hạn bảo lãnh vay vốn phù hợp với thời hạn cho vay của các NHTM, không vượt quá thời hạn thu hồi vốn (đối với trường hợp vay vốn để đầu tư tài sản cố định) và chu kỳ sản xuất kinh doanh (đối với trường hợp vay vốn lưu động). Riêng về phí bảo lãnh vay vốn, căn cứ vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, DATC có thể thu thấp hơn hoặc bằng 0,5%/năm đối với số tiền được bảo lãnh như các tổ chức bảo lãnh khác. Việc thu phí phù hợp thời gian bảo lãnh, được thỏa thuận trong Hợp đồng bảo lãnh vay vốn.

Về việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, khi đến hạn, doanh nghiệp không trả hoặc trả nợ không đầy đủ, đúng hạn, NHTM xác định rõ nguyên nhân doanh nghiệp không trả được nợ và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định. Trong thời hạn khoảng 1 tuần làm việc kể từ ngày đến hạn trả nợ mà doanh nghiệp không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ, đúng hạn đối với khoản vay đang được bảo lãnh, NHTM phải có văn bản yêu cầu cho DATC để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Sau khi nhận được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trong thời hạn tối đa khoảng 1 tháng, DATC phối hợp với NHTM áp dụng các biện pháp thu hồi và thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo các thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng, chứng thư bảo lãnh. Khi đó, DATC có quyền phát mại tài sản thế chấp bảo đảm bảo lãnh để thu hồi số tiền đã trả nợ thay cho doanh nghiệp. Để làm tốt điều này, với tư cách là người bảo lãnh cho doanh nghiệp, DATC có quyền yêu cầu trong quá trình vay vốn, doanh nghiệp không được quyền chuyển nhượng tài sản hình thành từ vốn vay đầu tư dự án, không được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay trong các hoạt động tín dụng và bảo lãnh khác...

Như vây, bảo lãnh vay vốn là nhiệm vụ cần có ở DATC. Đây là một biện pháp không chỉ giúp các doanh nghiệp “sống dở, chết dở” thực hiện tái cơ cấu có vốn phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh mà còn là điều kiện để các ngân hàng giải ngân với mức độ rủi ro thấp nhất. Tuy nhiên, do số lượng các doanh nghiệp đang tiến hành tái cơ cấu rất lớn trong khi nguồn vốn của DATC có hạn nên đơn vị này chỉ nên bảo lãnh vay vốn đối với một số doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nền kinh tế.

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 10/2012


Thống kê: 3.877.929
Online: 96