Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Để trở thành nhân tố chiến lược trong xử lý nợ xấu, DATC nên thực hiện “nguyên tắc Hà Nội” để kết nối các ngân hàng cùng xử lý. Đây là một bộ nguyên tắc được thống nhất giữa các ngân hàng và người cho vay lớn nhằm quản lý việc tái cấu trúc là quan điểm của TS. Phan Thanh Hà, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

           Với khối lượng nợ xấu đang ở mức báo động như hiện nay, ông bình luận gì về các biện pháp xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời gian qua?

Với khối lượng nợ xấu liên tục tăng trong thời gian vừa qua, hệ thống ngân hàng đã có những biện pháp xử lý như trích lập dự phòng, cho phép các ngân hàng mua nợ xấu của nhau. Hay như mới đây nhất là giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, mặc dù Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã có văn bản 2871/NHNN-TD cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện mua bán nợ theo quy định của Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN. Thế nhưng từ đó đến nay hầu như không có mấy giao dịch mua bán nợ giữa các NHTM. Điều này có thể hiểu là mua bán nợ giữa các NHTM không hiệu quả. Hơn nữa, nếu thực hiện cơ chế này, về bản chất, không xử lý được tận gốc vấn đề nợ xấu, nợ xấu chỉ chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Cụ thể, khi triển khai chủ trương này, ngân hàng bán nợ thu được tiền và thoát khỏi vùng ách tắc vốn; nợ xấu lại được chuyển sang ngâm giữ ở ngân hàng mua nợ. Như vậy, đây chỉ là hình thức làm đẹp bảng cân đối của các ngân hàng. Cùng đó, những doanh nghiệp đang là con nợ bị đem bán, họ không bị thúc bách trả nợ ngay như từng với chủ cũ mà được hưởng cơ chế mới của chủ nợ mới. Ngoài ra, việc mua bán nợ nói trên cũng là hình thức để các ngân hàng “gán nợ” cho nhau. Ví dụ, ngân hàng A vay ngân hàng B 200 tỷ đồng nhưng C lại vay A 200 tỷ đồng. Bình thường, A sẽ đòi nợ C để trả cho B nhưng vì C đang gặp khó khăn nên A có thể bán lại khoản nợ đó cho B. Như thế, chuyện nợ nần giữa A và B được giải quyết, sổ sách tài chính của họ sẽ lành mạnh hơn và B sẽ thành chủ nợ mới của C. Kết quả của chu trình này là nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, việc thành lập công ty xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Đa số các ý kiến cho rằng, việc thành lập công ty xử lý nợ xấu là không cần thiết trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhất là vấn đề lấy vốn ở đâu và thành lập như thế nào.

Mặt khác, mặc dù các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng tín dụng 70.000 tỷ đồng, trong đó 84% nợ xấu có tài sản đảm bảo, tương đương 130% giá trị các khoản nợ. Thế nhưng, một thực tế hiện nay là nhiều giá trị tài sản đảm bảo nợ đã giảm so với thời điểm vay vốn. Cụ thể, giá trị tài sản khi được tổ chức tín dụng định giá xem xét làm tài sản đảm bảo nợ thường được được định giá và cho vay thấp hơn, chỉ bằng 60 - 80% giá trị thực tế của tài sản đảm bảo nợ. Nhưng sau một thời gian sử dụng, trung bình giá trị tài sản đảm bảo giảm khoảng 20%, thậm chí các tài sản là tàu biển giá trị giảm trên dưới 50%, các cổ phiếu có nhiều mã cổ phiếu giảm tới 60 - 70% so với thời điểm cầm cố.

Đặc biệt, giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản giảm mạnh, do khi làm thủ tục vay, tài sản đảm bảo bất động sản thường vẫn nằm trên giấy và được các doanh nghiệp khách nợ đẩy giá lên cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. Vì vậy, trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay thì việc thu hồi nợ bằng tài sản đảm bảo từ đất đai là một khó khăn lớn đối với các tổ chức tín dụng.

Ông dự đoán gì về số lượng nợ xấu trong thời gian tới?

Như tôi đã nói ở trên, các biện pháp mà hệ thống ngân hàng đưa ra trong thời gian vừa qua chưa thực sự khả thi và liên tục vấp phải sự phản đối của dư luận. Trong khi đó, đối tác tiềm năng của hệ thống ngân hàng là Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) lại đang có rất nhiều vấn đề. Đặc biệt, theo tính toán của lãnh đạo DATC để xử lý hết khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng thì đơn vị này cần khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số vốn hiện có mới chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Mặt khác, nếu để DATC trở thành nhân tố chiến lược trong xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, liệu công ty này có còn đủ sức xử lý nợ cho hơn 1.000 DNNN đang chờ chuyển đổi, bao gồm cả các tổng công ty và tập đoàn với nhiều khoản nợ lớn, đan chéo nhau. Bên cạnh đó, việc khơi thông các nguồn lực thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu, vốn hóa các khoản nợ mua của các công ty khác để hỗ trợ hoạt động của DATC cũng chưa được đề cập đến. DATC vẫn sử dụng luồng vốn ban đầu do Nhà nước cung cấp để xử lý.

Với những lẽ trên, tôi thiết nghĩ, nếu không có sự chung tay giúp đỡ của DATC, cùng các biện pháp quyết liệt của Nhà nước thì nợ xấu không dừng lại ở 117.000 tỷ đồng mà còn cao hơn rất nhiều trong thời gian tới. Đặc biệt là các khoản nợ lớn mang tính trầm kha của các DNNN cần chuyển nhanh cho DATC xử lý, tránh ngâm giữ lâu ngày.

Theo ông, biện pháp để giải quyết khoản nợ xấu này là gì?

Nguyên nhân chính làm gia tăng nợ xấu xuất phát từ chính các ngân hàng. Vì vậy, phải tách nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng để xử lý. Nghĩa là, tách bạch tài sản tốt với tài sản xấu hay còn gọi là ngân hàng tốt và ngân hàng xấu. Theo đó, cần chuyển giao các khoản nợ xấu sang các ngân hàng xấu càng nhanh càng tốt. Bởi, ngân hàng tốt luôn khuyến khích việc đánh giá thấp mức độ của vấn đề vì việc lập dự phòng cho nợ xấu ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí nghề nghiệp và kết quả tài chính.

Cùng với đó, phải tăng cường vai trò hỗ trợ của DATC. Tuy nhiên, do DATC là tổ chức hoạt động theo chỉ định của Chính phủ nên quy mô xử lý nợ xấu của đơn vị này còn phụ thuộc vào quan điểm Nhà nước muốn sử dụng tổ chức này như thế nào trong câu chuyện xử lý nợ xấu. Nếu để tổ chức này hoạt động đơn thuần theo cơ chế thị trường vì mục tiêu lợi nhuận thì rất khó để công ty mua bán nợ tham gia xử lý nợ ở quy mô lớn như mong muốn. Muốn xử lý nợ xấu đầu tiên cần trả lời được câu hỏi Nhà nước muốn gì và từ đó xác lập được cơ chế chính sách đủ tầm để tổ chức xử lý nợ quốc gia hoạt động.

Nếu DATC trở thành nhân tố chiến lược trong xử lý nợ xấu thì biện pháp đầu tiên là gì?

Vấn đề chính của DATC là họ phải làm việc với các ngân hàng riêng biệt và khó bắt các ngân hàng đồng ý làm theo một phương án nếu họ không muốn. Vì vậy, tôi cho rằng DATC nên thực hiện “nguyên tắc Hà Nội” để kết nối các ngân hàng cùng xử lý. Đây không phải là quy định pháp luật, mà là một bộ nguyên tắc được thống nhất giữa các ngân hàng và người cho vay lớn nhằm quản lý việc tái cấu trúc. Theo đó, Bộ Tài chính cần yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại và các ngân hàng khác tuân theo nguyên tắc Hà Nội. Nguyên tắc Hà Nội sẽ yêu cầu: thứ nhất, không tác động gì đến công ty và chia sẻ thông tin; thứ hai, các ngân hàng tập hợp thành một nhóm và thảo luận cùng nhau. Nếu 70% ngân hàng có nợ đồng ý, các ngân hàng khác phải tham gia tái cơ cấu với điều kiện giống nhau; thứ ba, cân nhắc việc cần có một tổ chức để định giá nếu như không thỏa thuận được. Với quy tắc Hà Nội sẽ dừng việc cạnh tranh giá và tập trung vào nâng cao giá trị thu hồi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 9/2012


Thống kê: 3.878.103
Online: 55