Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ, lẽ ra, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý nợ được phép truy cập và sử dụng thông tin có liên quan được lưu giữ ở các cơ quan nhà nước như: các cơ quan thuế, bộ phận tài chính của các doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh và các trung tâm giao dịch chứng khoán, thông tin có liên quan được lưu giữ ở các ngân hàng thương mại...Tuy nhiên, việc tiếp xúc này hiện tại không dễ vì các đơn vị này không sẵn sàng chia sẻ, hoặc chưa hẳn có đủ dữ liệu để cung cấp.

           Hiện không có cơ quan có thẩm quyền nào tại Việt Nam có thông tin tài chính từ các DNNN được cập nhật một cách thường xuyên và chịu trách nhiệm về thông tin đó. Không có cơ chế hiệu quả để buộc các ngân hàng và doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin và hợp tác với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để đưa ra các giải pháp. DATC không có bất cứ quyền lực đặc biệt nào để tiến hành điều tra về nợ xấu. Bên cạnh đó, dù nợ xấu đã ở mức báo động nhưng do không có yêu cầu chính thức nên không có ngân hàng nào sẵn sàng chuyển giao hoặc bán lại nợ xấu cho các tổ chức khác.

Hơn nữa, các ngân hàng thương mại nhà nước và các DNNN thiếu động lực để xử lý nợ xấu. Thông thường ngân hàng sẽ không muốn bán nợ xấu có tài sản bảo đảm, nợ có khả năng thu hồi. Đối với các khoản nợ xấu mà họ thực sự muốn loại bỏ, các ngân hàng cũng sẽ không muốn bán ở một mức giá thấp hơn giá trị sổ sách vì như vậy có thể làm cho ngân hàng phải ghi nhận khoản lỗ từ nợ xấu này ngay lập tức.

Thêm vào đó, việc mua nợ xấu hoàn toàn bằng tiền mặt như hiện nay có khá nhiều hạn chế như: DATC có rủi ro không thu lại được tiền ban đầu trả cho người bán, giá vốn xử lý nợ cao hơn (do phải tính cả tiền lãi suất trên số tiền bỏ ra trả cho người bán). Áp lực về việc tạo ra lợi nhuận đối với DATC làm cho quá trình lựa chọn, phân tích, tính toán phương án trả nợ thương thảo, thỏa thuận với ngân hàng bị kéo dài. Cùng với đó, bên bán cũng khó ra quyết định vì sợ có thể giá bán thấp hơn giá trị thực tế của khoản nợ có thể thu hồi, ngân hàng phải ghi nhận lỗ ngay khi bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách trong khi không được chia sẻ lợi nhuận mang lại trong trường hợp DATC xử lý thành công. Ngoài ra, do phải dùng tiền mặt trả cho chủ nợ, nguồn lực tài chính của DATC cho việc tái cơ cấu tài chính và hoạt động của chủ nợ sẽ bị giảm xuống. DATC sẽ không đủ tiền để mua và giải quyết xử lý nợ tồn đọng ở quy mô lớn.

Từ những vướng mắc trên, lãnh đạo DATC cho rằng, để các ngân hàng sẵn sàng làm việc với DATC thì một trong những biện pháp cần tiến hành ngay là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất cả các ngân hàng và các tổ chức tín dụng định kỳ công khai nợ xấu và phải có kế hoạch giảm nợ xấu trong các năm, nhằm duy trì nợ xấu dưới mức độ an toàn. Bất kỳ tổ chức nào có nợ xấu vượt quá mức độ cho phép phải bán/chuyển giao nợ xấu cho DATC hoặc bị hạn chế một số hoạt động cho đến khi xử lý được nợ xấu, giảm tỉ lệ nợ xấu xuống mức thấp chấp nhận được để đảm bảo an toàn cả hệ thống tài chính ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò của nhà nước và tăng cường trách nhiệm của nhà nước trong quản lý hoạt động mua bán nợ. Cụ thể, nhà nước cần có giải pháp cả luật pháp, cả hành chính và kinh tế để công khai, minh bạch các khoản nợ xấu trong nền kinh tế, công khai các biện pháp xử lý để giảm thiểu thiệt hại kinh tế đối với nhà nước, các nhà đầu tư và nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế gây áp lực để kiểm tra bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Đồng thời, để buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quản trị thì nhà nước cần sớm luật hóa và sử dụng rộng rãi các công cụ tài chính của kinh tế thị trường như hối phiếu, chiết khấu, bảo hiểm kinh doanh, cưỡng chế, phát mại và xử lý tranh chấp. Cùng với đó, để DATC hoạt động thực sự có hiệu quả và góp phần tích cực vào lành mạnh hóa các quan hệ tài chính trong nền kinh tế cần có quy định pháp lý đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của công ty trên cả 5 lĩnh vực: mua bán nợ, tài sản tồn đọng; xử lý, tái cấu trúc nợ doanh nghiệp và nợ của nền kinh tế, cho thuê tài sản; đầu tư và góp vốn kinh doanh; cung cấp dịch vụ tài chính và dịch vụ quản trị doanh nghiệp.

Theo một số chuyên gia kinh tế, tài chính, hiện mục tiêu của các ngân hàng khi bán hoặc chuyển giao nợ xấu cho DATC là tìm ra các giá trị của các doanh nghiệp để thu lại một ít tiền và không phải chịu trách nhiệm khi bán các doanh nghiệp này. Chính vì vậy, để ngân hàng tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thì cần có quy định buộc ngân hàng chuyển giao nợ xấu cho DATC và khi đó DATC sẽ hoạt động như là một nhà cung cấp dịch vụ. Cụ thể, sau khi có quyết định của Chính phủ về giải quyết nợ xấu, ngân hàng náo có nợ xấu vượt quá mức độ cho phép sẽ phải chuyển giao cho DATC để đơn vị này xử lý và tiến hành tái cơ cấu. Cùng với đó, trong giai đoạn xử lý nợ, doanh nghiệp sẽ vẫn trả lãi cho ngân hàng như bình thường và ngân hàng không tăng lãi suất. Đặc biệt, thay vì DATC phải trả 30% khoản nợ cho ngân hàng, đơn vị này sẽ dùng khoản tiền đó để hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp tái cơ cấu nhằm gia tăng giá trị, giúp DN có vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc cung cấp vốn mồi của DATC chỉ tiến hành trong một thời gian nhất định, sau khi ổn định sản xuất, đơn vị này sẽ tiến hành thoái vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp khác. Vì vậy, khi các khoản nợ xấu đã được xử lý triệt để, doanh nghiệp cần thuyết phục ngân hàng hợp tác với DATC trong việc tiếp tục cung cấp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có lãi.

Với cách làm này, lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng và DATC nhưng mang lại lợi ích đồng thuận cho cả 3 bên. Về phía ngân hàng, họ sẽ không phải ghi nhận lỗ và không bị thiệt trong trường hợp DATC xử lý thành công. Còn DATC thì không phải mua nợ bằng tiền mặt, trong khi hoạt động gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp không ngừng được nâng lên thông qua cung cấp vốn mồi. Đối với các doanh nghiệp, với sự tham gia sâu hơn của ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp “lột xác”, có cơ hội phát triển sản xuất, có lãi trả nợ.

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 11/2012


Thống kê: 3.877.594
Online: 78