Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Những năm qua, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã giúp cho Nhà nước quản lý và tận thu được số nợ và tài sản bị loại ra khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa; tích cực xử lý các khoản nợ và tài sản giúp cho ngân sách tận thu được số vốn tồn đọng, giúp cho DN có thêm điều kiện phát triển kinh doanh.

             Việc mua và xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã giúp cho các ngân hàng và các chủ nợ xử lý được các khoản nợ xấu, thu hồi được một phần vốn; giúp cho DN khách nợ có điều kiện xử lý những tồn tại tài chính, cải thiện khả năng thanh toán nợ, phát triển kinh doanh, chuyển đổi sở hữu. Cụ thể đã có 15 DNNN được xử lý nợ và tài sản đã lành mạnh hóa tình hình tài chính, đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa. 20 công ty cổ phần cải thiện được tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ, đẩy mạnh kinh doanh. 1 ngân hàng thoát khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, tăng trưởng nhanh. 1 ngân hàng có điều kiện thanh toán được khoản vay đặc biệt của NHNN. 28 DN đang được cơ cấu lại nợ để lành mạnh hóa tình hình tài chính.

            Mới đây tại Hà Nội, Nhóm tư vấn chính sách (PAG) - Dự án hỗ trợ phân tích chính sách tài chính” đã phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tổ chức Hội thảo “Đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Công ty Mua bán nợ Việt Nam” nhằm có cái nhìn đúng hơn về hoạt động mua bán nợ.

Theo thống kê, thời gian qua Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp xử lý nợ “lòng vòng” giữa các DNNN và đã tạo dựng được khung pháp luật cơ bản về cơ chế chính sách xử lý nợ, tài sản tồn đọng tại DNNN nói chung và tổ chức quản lý, hoạt động của DATC nói riêng, góp phần làm lành mạnh hóa tài chính DN, thúc đẩy quá trình đổi mới DN. Qua đó, đã tạo thêm nguồn hàng hóa cho thị trường tài sản và thị trường vốn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường nợ tồn đọng ở Việt Nam mới manh nha, ít chủ thể tham gia và cơ chế mua bán nợ vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quá trình làm lành mạnh tình hình tài chính DN, quá trình sắp xếp đổi mới DNNN.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay khuôn khổ pháp lý cho việc tạo lập thị trường mua bán nợ, xử lý nợ, cho hoạt động mua bán, xử lý nợ và các hoạt động liên quan thực sự thiếu và yếu, không gắn kết được chặt chẽ với các hệ thống quy định khác như: dân sự, doanh nghiệp, thuế,... Đối với hoạt động mua bán nợ của DATC hiện nay, chưa thực sự là công cụ mạnh và được sự quan tâm thích đáng của Chính phủ. Điều này thể hiện qua việc mô hình hoạt động DATC chưa đầy đủ. Chính phủ đặt trọng tâm DATC vào việc giải quyết nợ và tài sản tồn đọng của DNNN, hỗ trợ thúc đẩy quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Các vấn đề khác như xử lý nợ trong nền kinh tế, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán, xử lý nợ không được đề cập hoặc được nêu không mang tính định hướng rõ ràng và không có quy định, hướng dẫn cụ thể. Điều này đã hạn chế phạm vi hoạt động và hướng phát triển của mô hình xử lý nợ trong nền kinh tế cũng như DATC. Đây là một trong những nguyên nhân khiến DATC bị hạn chế rất nhiều về thẩm quyền và phạm vi hoạt động trong việc mua bán nợ của các đối tác có hoặc không có yếu tố nhà nước, xử lý nợ bằng các phương pháp khác nhau, trong đó liên quan đến thẩm quyền xóa nợ, thẩm quyền quyết định đối với các phương án tái cơ cấu DN (bao gồm cả hỗ trợ tài chính trong quá trình tái cơ cấu). Hiện DATC vừa phải thực hiện chức năng công ích, vừa tiếp nhận, mua bán, xử lý nợ tồn đọng liên quan DNNN với chất lượng xấu dễ thua lỗ, yêu cầu thời gian xử lý nhanh, đảm bảo an toàn và phát triển vốn... nên gặp rất nhiều khó khăn.

Để hoạt động mua bán nợ có hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng,thời gian tới cần phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách. Hoạt động mua bán nợ cần gắn với chương trình tái cấu trúc nền kinh tế (bao gồm tái cấu trúc nền tài chính, tái cấu trúc khối DNNN, tập đoàn và tổng công ty nhà nước)...Tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho mô hình xử lý nợ trong nền kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ, khuyến khích các tổ chức tham gia, phát triển các công cụ để đa dạng hóa việc mua bán, xử lý, tạo giá trị gia tăng trong việc mua bán xử lý nợ. Tăng cường vai trò của DATC - đầu tầu trong mô hình, mở rộng phạm vi hoạt động mua bán, xử lý nợ đúng với tầm vóc của công ty xử lý nợ quốc gia. Trao thẩm quyền cụ thể để tham gia ngăn ngừa và phòng chống khủng hoảng bên cạnh các thẩm quyền mạnh và đầy đủ liên quan đến mua bán xử lý nợ thông qua tái cơ cấu DN.

Thời báo Tài chính số 128 ngày 26/10/2011


Thống kê: 3.878.747
Online: 14