Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về hoạt động của doanh nghiệp (DN) thời gian qua, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ tài chính Phạm Thanh Quang cho biết, từ nay đến cuối năm 2011, một loạt DN sẽ được DATC tái cơ cấu như: Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty Đường thủy, Công ty Cầu 7 Thăng Long, Công ty xây dựng số 8 Thăng Long và các DN thuộc tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin...

              ·Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế như lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao...DN là đối tượng bị tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh. DATC được xem như là “phao cứu sinh” của nhiều DN đang trong tình trạng “bế tắc”. Vậy ông có thể cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động của DATC đã diễn ra như thế nào?

- Ngoài khó khăn về tình hình kinh tế, cơ chế chính sách về hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ và hoạt động thị trường mua bán nợ hiện nay diễn biến rất phức tạp, khó mua bán, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến giá mua nợ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cũng phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2011 là 171,13 tỷ đồng, đạt 32,3% kế hoạch năm 2011. Trong đó, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 79,56 tỷ đồng, đạt 21,8% so với kế hoạch năm 2011; từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 1,74 tỷ đồng, đạt 87% so với kế hoạch; doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác là 89,93 tỷ đồng, đạt 55,3% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 12,55 tỷ đồng.

·Đối với hoạt động tiếp nhận, xử lý tài sản và thu hồi nợ tồn đọng đã loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước thì sao, thưa ông?

- Với phương châm phát sinh đến đâu tiếp nhận đến đó, trong 6 tháng đầu năm 2011, công ty đã ký biên bản bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ ra khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa (CPH) DN 100% vốn nhà nước của 4 DN, với tổng giá trị tiếp nhận là 34,219 tỷ đồng, trong đó: tài sản là 13,61 tỷ đồng và nợ là 20,609 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đã phối hợp với các cơ quan thẩm định giá và đấu giá tài sản để xử lý tài sản và thu hồi nợ tồn đọng loại trừ đã tiếp nhận của 27 DN, giá trị tiếp nhận là 22,762 tỷ đồng, giá trị thực tế thu hồi là 8,709 tỷ đồng, đạt 87% so với kế hoạch năm 2011. Trong đó, giá trị thu hồi từ việc xử lý bán tài sản loại trừ là 6,542 tỷ đồng, đạt 131% so với kế hoạch năm 2011; thu hồi nợ 1,13 tỷ đồng, đạt 113% so với kế hoạch năm 2011...

Theo đó, lũy kế từ năm 2004 đến 30/6/2011, công ty đã tiến hành xử lý và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận khi CPH các DN 100% vốn nhà nước, tận thu cho NSNN 456,925 tỷ đồng; đồng thời góp phần giải phóng mặt bằng, kho tàng, bến bãi...đã tạo điều kiện cho các DN phát triển sau khi được CPH.

·Vậy, cụ thể tính đến thời điểm này, DATC đã tái cấu trúc được bao nhiêu DN và hiệu quả đến đâu, thưa ông?

- Đến nay, DATC đã thành chủ nợ của 104 DN, đồng thời đang thực hiện tái cấu trúc gắn với việc chuyển nợ thành vốn góp cho 66 DN. Sau khi được xử lý về tài chính, cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuyển đổi thành công ty cổ phần, hầu hết các đơn vị trên đều hoạt động có hiệu quả hơn trước khi tái cơ cấu như: giảm lỗ, hòa vốn, tiến tới có lãi, một số DN tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 20-30%. Trong đó, phải kể đến 1 số trường hợp điển hình như: Công ty Sadico Cần Thơ, Công ty Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Đường Kon Tum, Công ty Procimex Đà Nẵng... Báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm của các DN này chứa đựng những yếu tố đánh thức được tiềm lực của địa phương để sát cánh cùng chiến lược phát triển của DN. Ví dụ như, cây mía đã trở thành một động lực để giúp người nông dân thoát nghèo ở Sơn La, Kon Tum và là nguyên liệu để hai nhà máy tại đây nâng cao năng suất kinh doanh.

·Là DN 100% vốn nhà nước, hoạt động của DATC phục vụ mục tiêu sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN. Như vậy, qua nhiều năm hoạt động, DATC đã tích lũy được những kinh nghiệm gì từ việc làm hồi sinh các DN? Và mục tiêu của DATC từ nay đến cuối năm phát huy lợi thế của mình như thế nào?

- Bằng giải pháp và phương thức cơ bản là tập trung vào hoạt động mua bán nợ và tái cơ cấu DN, DATC giúp các DN (mà DATC mua nợ) cơ cấu lại tài chính, bảo đảm có vốn tiếp tục hoạt động cũng như đủ điều kiện chuyển đổi sở hữu. Đồng thời, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý giúp DN cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi được chuyển đổi sở hữu.

Điều quan trọng ở tầm nhìn của DATC trong hoạt động mua bán, sáp nhập DN chính là khả năng đánh giá được cơ hội phục hồi và phát triển của DN sau tái cấu trúc. Khi đã xác định được vấn đề cần tháo gỡ, DATC đã thực hiện các phương án cụ thể cho từng DN khách nợ. Trong quá trình thực hiện phương án tái cấu trúc, DATC sẽ chủ động kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đàm phán mua nợ từ các chủ nợ và đàm phán với chủ sở hữu DN để chuyển nợ thành vốn góp tại DN. Đây là cách cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN, làm giảm nhẹ gánh nặng trả nợ và cũng là khâu quan trọng nhất quyết định thành công của hoạt động tái cơ cấu.

Mục tiêu của DATC từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt tổng doanh thu 360-380 tỷ đồng, để cả năm đạt 530-550 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2011.

·Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam số 97 ngày 15/8/2011


Thống kê: 3.881.117
Online: 91