Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

KTS (mã cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum) lên sàn giao dịch chứng khoán vào ngày 31/12/2010 với giá 35.000đ/CP. Xóa sạch bức tranh ảm đạm của nhiều năm thua lỗ, Công ty CP Đường Kon Tum đã “lột xác” để phát triển với sự hỗ trợ của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC)

           DATC vào cuộc “giải cứu”

Tiền thân là Công ty Mía đường Kon Tum - doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Kon Tum, được thành lập năm 1995 trong chương trình mía đường quốc gia. Sau 5 năm làm ăn không hiệu quả, Công ty Mía đường Kon Tum rơi vào cảnh nợ nhiều, mất vốn nhà nước và người lao động mất việc làm. Tính đến 31/3/2007, tổng số nợ của Công ty Mía đường Kontum đã lên đến hơn 115 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 36 tỷ đồng. Doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Mọi nỗ lực của Ban Lãnh đạo cũng không thể xử lý tài chính để chuyển thành công ty cổ phần. Nếu để một nhà máy “chết” thì lợi ích của hàng ngàn người lao động cũng buông bỏ, số nợ của một doanh nghiệp nhà nước “ăn” vào thiệt hại ngân sách nhà nước.

Trước tình hình đó, DATC nhập cuộc và thực hiện phương án tái cơ cấu làm lành mạnh hóa tài chính. Để đạt được hiệu quả, phải có sự tái cơ cấu tổng thể từ vùng nguyên liệu đến khâu quản lý: từ việc sắp xếp nhân sự, đến các giải pháp nhập nguyên liệu, giá cả, cải tiến trên dây chuyền sản xuất. Về tài chính, DATC đã thực hiện giảm bớt một phần nghĩa vụ trả nợ, điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xác định quy mô vốn cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động, giúp doanh nghiệp huy động thêm vốn, khơi thông quan hệ tín dụng... Khâu then chốt của quá trình tái cơ cấu được DATC xác định là: xây dựng vùng nguyên liệu và kỹ năng bán hàng. Sau khi thực hiện các bước trên, Công ty Mía đường Kon Tum đã chuyển thành Công ty CP Đường Kon Tum.

Sau gần một năm, ngày 8/6/2009, Công ty CP Đường Kon Tum đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần thứ nhất để kiểm điểm những việc đã làm được từ khi thực hiện chuyển đổi. Đây là năm đầu tiên công ty có lãi và nộp thuế cho nhà nước tính từ khi thành lập. Đến tháng 5/2009, Công ty CP Đường Kon Tum đã trả hết toàn bộ nợ khiến hoạt động của Công ty không còn chịu áp lực tài chính, đây là một điểm thuận lợi lớn trong hoạt động kinh doanh, tạo sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường, chia cổ tức gần 10%, đời sống cán bộ, công nhân được cải thiện rõ rệt.

Kết quả kinh doanh hàng năm của Công ty CP Đường Kon Tum đã đi vào giai đoạn tăng trưởng ổn định. Năm 2009, lợi nhuận sau thuế tăng tới 196,98%, tổng tài sản tăng 2,58%, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 174,47% so với năm 2008. Năm 2010, với kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33 tỷ đồng, phân phối lợi nhuận vào các quỹ như: quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng phúc lợi.

Doanh nghiệp từ thua lỗ thành có lãi, trở thành một đơn vị đóng góp lớn cho ngân sách và cho an sinh xã hội trên địa bàn Tây Nguyên. Đi theo một cỗ máy đang vận động là hàng ngàn người lao động ổn định thu nhập (5 triệu đồng/tháng), tham gia tăng năng suất trên giống mía mới, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Bên cạnh việc đảm bảo giá mua mía hợp lý, để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, Công ty CP Đường Kon Tum đang thực hiện chính sách hỗ trợ không hoàn lại cho người nông dân trong việc chuyển đổi từ diện tích đất trồng sắn sang trồng mía với mức 5 triệu đồng/ha. Đồng thời, công ty còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông vào vùng nguyên liệu, hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu, hỗ trợ vật tư, phân bón và mía giống chất lượng cao cho nông dân trong vùng.

Câu chuyện của năm 2011

Ngày 31/12/2010, 3 triệu cổ phiếu của Công ty đã chính thức niêm yết trên HNX với mã chứng khoán KTS. “Tưởng như doanh nghiệp rơi xuống vực thẳm, cũng tưởng như sự nghiệp, công ăn việc làm của mình đã đứt gánh giữa chừng. Vậy mà, chỉ có 2 năm thôi, với sự góp sức tận tình và sát sao, hiệu quả của DATC, tôi đứng trên sàn giao dịch này với tư cách là người điều hành một doanh nghiệp vững mạnh, được chính những người đầu tư trên sàn đánh giá cao thông qua giá giao dịch cổ phiếu gấp xấp xỉ 4 lần mệnh giá...”, ông Lê Quang Trưởng, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Kon Tum nói.

Hiện nay, 100% cổ đông của Công ty ở trong nước, trong đó các tổ chức nắm giữ 85,3% cổ phần (DATC nắm 68,64%), còn lại 14,7% cổ phần do các cá nhân nắm giữ.

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn của Công ty CP Đường Kon Tum, câu chuyện trung tâm là cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo Nghị quyết HĐQT thường kỳ quý III/2010 của Công ty, HĐQT đã phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng để đáp ứng vốn phục vụ nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu. Động thái này chứng tỏ tiềm lực phát triển cho một nhà máy sau khi hồi sinh đã xác định được chiến lược phát triển vững vàng.

Công ty đã cùng DATC vạch ra các chỉ tiêu cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011 (Bảng 1).

Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến 2015 nhu cầu tiêu thụ đường trong nước là 1,7-1,8 triệu tấn và đến năm 2020 là khoảng 2,5-2,6 triệu tấn. Do đó, đến năm 2015, ngành đường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, phải nhập khẩu trên 100.000 tấn đường. Thiếu đường trên thị trường nội địa đang là đòi hỏi (và cũng là cơ hội) các doanh nghiệp mía đường trong nước tăng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm để “lấp chỗ trống” thị phần. Công ty CP Đường Kon Tum đã không đứng ngoài cuộc. Theo đó, công ty mở rộng diện tích trồng mía theo các năm 2012 là 2.190 ha, năm 2013 là 2.460 ha, năm 2014 là 2.770 ha, năm 2015 là 3.075 ha.

Với năng suất ép và chế luyện 2.000 tấn mía/ngày, Công ty CP Đường Kon Tum đang tăng dần đều sản lượng mía: 140.000 tấn (2012), 160.000 tấn (2013), 180.000 tấn (2014), 200.000 tấn (2015 trở đi).

Ngay tại thời điểm này, công ty đã xác định nhu cầu cấp thiết là tăng công suất nhà máy để đáp ứng sản xuất kinh doanh bên cạnh sự đổi mới tích cực của công tác quản trị điều hành doanh nghiệp. Thông qua kế hoạch đầu tư, Công ty CP Đường Kon Tum lắp mới và nâng cấp một số thiết bị khu Ép, khu Chế luyện, Khu Nhiệt điện - Lò hơi với tổng dự toán 48,5 tỷ đồng. Tương lai, Đường Kon Tum sẽ là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trên 40 nhà máy đường đang hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam với tổng công suất đạt hơn 106.000 tấn mía/ngày.

Bảng 1: Chỉ tiêu cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011

Chỉ tiêu

Năm 2011

Vùng nguyên liệu

1.876 ha

Năng suất mía bình quân

60 tấn/ha

Trữ đường bình quân

10 CCS

Tổng doanh thu

197,8 tỷ đồng

Lợi nhuận trước thuế

45 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế

33,75 tỷ đồng

Thuế TNDN (25%)

11,25 tỷ đồng

Tỷ lệ cổ tức

60%

Nộp ngân sách nhà nước

18,68 tỷ đồng

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số tháng 6/2011


Thống kê: 3.910.144
Online: 68