Một số ý kiến đã cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cốt lõi là minh bạch hóa thông tin. Vì nếu không minh bạch sẽ không có cơ sở dữ liệu chuẩn để “ lập trình” cho chặng đường tiếp theo. Xem ra, việc minh bạch nói dễ, nhưng làm thì... khó.
Dang dở vì ... thông tin dở
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức “lỗi hẹn” với Chính phủ về việc trình đề án nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, dự kiến trình vào tháng 11/2011. Lý do được đưa ra tại hội nghị cuối năm ngoái là “Bản dự thảo đã hoàn thành, nhưng số liệu thống kê lại có phần chưa... chắc chắn”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung - người chủ trì hội thảo băn khoăn: Đề án có thể coi là một “tuyên ngôn” cải cách kinh tế của Chính phủ về DNNN, nên nếu được căn cứ trên các con số chưa chuẩn xác thì sẽ như thế nào? Cũng tại hội thảo đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá cho biết: Nếu tình hình các DNNN đúng như số liệu của Tổng cục Thống kê thì “quá tốt, chẳng cần phải cải cách gì nữa”. Thế nhưng, cũng theo ông Bá, thực tế số liệu này luôn “nhảy múa, hát ca” nên rất khó có bộ thông tin chuẩn để hoạch định. Nhiều đại biểu tham gia ý kiến với ban soạn thảo lưu ý rằng, số liệu của Tổng cục Thống kê là tổng hợp từ báo cáo của DN gửi lên, tính chính xác của con số chưa được đảm bảo, nên cần được xác minh lại để có quyết sách đúng trong điều hành.
Thực tế cho thấy, để có một bộ thông tin chuẩn về DNNN là vô cùng khó. Vì không loại trừ một số DN “thổi phồng” lấy thành tích. Một số DN luôn đóng dấu “mật” vào tài liệu cung cấp tại hội nghị và sau đó thu lại ngay. Còn số liệu từ kiểm toán, thanh tra rất khó đầy đủ, toàn diện. Còn nhớ sau vụ vỡ nợ của Vinashin, khi Chính phủ cung cấp số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, có đại biểu quốc hội lại đưa ra một con số là 120 nghìn tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là đại biểu này nói đã tổng hợp khá chính xác qua một số kênh khác. Phó viện trưởng CIEM Trần Xuân Lịch cũng đã xác nhận: Toàn bộ số liệu về khu vực DNNN hiện nay không có nguồn đảm bảo hoàn toàn chính xác.
Cổ phần hóa - giải tỏa ách tắc thông tin
Trở lại với đề án tái cơ cấu DNNN, tuy đề án không đưa ra lộ trình cụ thể là thời điểm nào buộc các DNNN công bố đầy đủ thông tin như DN niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì theo ban soạn thảo, vấn đề này còn liên quan đến an ninh quốc gia, nhất là lúc chúng ta chỉ còn giữ lại một số DNNN giữ vai trò quan trọng như DN an ninh, quốc phòng, DN điều tiết, dẫn dắt thị trường. Nhưng, cái được của đề án là vạch rõ lộ trình cổ phần hóa (CPH), buộc các DN thực hiện đúng lộ trình. Ngoài ra, đề án còn nêu rõ: “DN phải hoàn thiện chế độ kế toán áp dụng đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thiết lập hệ thống thông tin giám sát và quản lý doanh nghiệp gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về đầu tư, về các rủi ro và biến động bất thường... Từ năm 2012, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải lập và công bố báo cáo tài chính hợp nhất theo chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam”. Như vậy, có thể nói, nỗi lo về nguồn dữ liệu thông tin sẽ phần nào được giải tỏa.
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, thành viên Ban soạn thảo đề án lý giải: Cái yếu nhất của các DNNN hiện nay là khó minh bạch thông tin nên các nà đầu tư không biết được hiệu quả kinh doanh đến đâu để đầu tư vào. Cho nên, khi DNNN tiến hành CPH cho dù chỉ bán 5%, 10% hay ít hơn phần vốn nhà nước thì vẫn phải đảm bảo minh bạch thông tin. Lúc đó, có cổ đông tham gia, hoạt động của các DN này sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán, được các cơ quan quản lý, nhà đầu tư cũng như người dân “soi” vào, tức là giúp minh bạch hóa thông tin bởi khi có cổ đông rồi thì họ sẽ soi lại hoạt động của đơn vị mà họ bỏ vốn kinh doanh.
Bên cạnh việc CPH DNNN, việc công khai cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhằm mục đích minh bạch hóa thông tin. Bởi việc đăng ký tiết giảm chi phí thì năm nào DN cũng làm nhưng do không được công khai, nên đôi khi DN chưa có ý thức cố gắng hết sức để thực hiện những gì đã cam kết. Khi công bố công khai rồi, việc tiết giảm chi phí đăng ký với cơ quan nhà nước đã được báo chí đưa tin, người dân giám sát để kiểm tra xem DN có làm đúng không, tức là chủ DN đã “đặt cược” cả danh dự và uy tín của DN mình vào đây. Minh bạch hóa tất cả các thông tin này sẽ giúp DN có động lực hoạt động hiệu quả hơn nữa, tập trung đúng vào ngành nghề sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời cho các nhà đầu tư tư nhân có cơ sở để quyết định có đầu tư vào hay không.