Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Xử lý dứt điểm nợ xấu được coi là một điểm nhấn quan trọng trong đề án tái cơ cấu DNNN. Đây được xem là phương pháp “chữa bệnh tận gốc” - tránh tình trạng nợ vòng quanh, chiếm dụng vốn lẫn nhau dễ gây nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Tuy nhiên, thách thức quả không nhỏ.

            Năm 2015 xử lý dứt điểm nợ?

Theo Dự thảo Đề án tái cấu trúc DNNN, đối với các DNNN thua lỗ kéo dài sẽ có hai phương án. Một là giải thể. Hai là tiến hành tái cơ cầu bằng các phương thức thị trường như mua bán doanh nghiệp hay chuyển nhượng một phần vốn, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH có hai thành viên trở lên; bán cho tập thể người lao động. Mục tiêu trong Đề án là sẽ giải quyết dứt điểm nợ trước năm 2015. Trụ cột chính đảm đương việc mua bán, tái cơ cấu này là Công ty Mua bán nợ Việt Nam - DATC. Thế nhưng, nếu với tốc độ xử lý nợ hiện nay của DATC thì kỳ vọng xử lý hết nợ DNNN trong năm 2015 quả là không dễ.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 9/2011, dư nợ cho vay DNNN là khoảng 416.000 tỷ đồng, tương đương 17% tổng dư nợ tín dụng, trong đó có một tỷ lệ nợ xấu không nhỏ. Ngày 17/12/2011, NHNN công bố dư nợ xấu ở mức 3,4% tổng dư nợ, quy ra khoảng 85.000 tỷ đồng. Đáng tiếc là không có sự tách bạch và công bố về nợ xấu đối với DNNN nói riêng, nhưng chắc chắn con số này cũng không hề nhỏ.

Trở lại vai trò xử lý nợ của DATC, theo công bố của công ty này, gần 6 năm qua, đơn vị này đã thực hiện được khoảng 109 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thỏa thuận để thực hiện tái cấu DNNN. Tổng mệnh giá nợ và tài sản đã mua khoảng 7.000 tỷ đồng, xử lý tồn tại tài chính cho DN khoảng 2.200 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm DATC xử lý được 366,67 tỷ đồng. Nếu căn cứ vào tốc độ này, số nợ DATC xử lý chưa thấm vào đâu so với món nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty. Hơn nữa, dù là Công ty xử lý nợ duy nhất mang tầm quốc gia, nhưng DATC vẫn còn khó khăn trong xử lý các “món nợ quốc gia” chẳng hạn như nợ của Vinashin.

Nợ chung, khó xử lý riêng

Do nhiều món nợ tồn tại khá lâu, nên đã trở thành một số khoản nợ dây chuyền. Điều này đã từng được các tập đoàn, tổng công ty “tố” lẫn nhau, như trường hợp “tố nợ” của các tập đoàn thời gian vừa qua; Dầu khí - Than - Điện, rồi ngân hàng tố doanh nghiệp... Do vậy, để xử lý triệt để nợ nần đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Ngoài DATC trực thuộc Bộ Tài chính xử lý nợ DNNN, có khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, phạm vi của các AMC chỉ giới hạn tiếp nhận và xử lý nợ xấu cho các ngân hàng mẹ, gần như chưa có sự liên kết mua bán nợ giữa các đơn vị này. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng khuyến khích sự mua bán nợ giữa các đơn vị này. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, khuyến khích thôi chưa đủ, mà cần phải bắt buộc. Một ví dụ để minh chứng cho quan điểm này là: Trong các khoản nợ của các doanh nghiệp, có cả nợ phải thu lẫn nợ phải trả. Trên nguyên tắc, nợ phải trả là nghĩa vụ của doanh nghiệp phải trả cho các chủ nợ, chủ yếu là các ngân hàng. Nhưng bản thân các doanh nghiệp lại không chủ động đàm phán với các chủ nợ để họ nhanh chóng đồng thuận bán nợ cho Công ty Mua bán nợ.

Với quy trình xử lý nợ của DATC, đơn vị này cũng có cái khó nhất định nên chưa thể đẩy nhanh tốc độ xử lý như kỳ vọng. Theo lãnh đạo DATC, hoạt động mua bán, xử lý tài chính gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ, chưa phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay của DATC. Chẳng hạn, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, thì các khoản nợ không có khả năng thu hồi không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Nhưng phần lớn số nợ mà DATC tiếp nhận sau khi đã phân loại thuộc nợ nhóm 2 (những khoản nợ không đủ hồ sơ, khách nợ không còn tồn tại, chi phí bị xuất toán, các khoản chi âm quỹ phúc lợi... được loại trừ như khoản nợ không có khả năng thu hồi) nên mất nhiều thời gian đàm phán cũng như thời gian thẩm định, phê duyệt các phương án mua bán nợ.

Một nguyên nhân khác khiến hoạt động tái cơ cấu DNNN của DATC gặp khó khăn là, do nền kinh tế có nhiều biến động, Chính phủ tập trung triển khai những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng... nên việc vay vốn của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại rất khó khăn và lãi suất cao. Trong khi, đa số doanh nghiệp khách nợ của công ty rất khó khăn về vốn, đã ảnh hưởng tới hoạt động triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC. Một số doanh nghiệp đã hoàn thành tái cơ cấu thành công nhưng không tiếp cận được vốn đầu tư kinh doanh nên rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, không phát huy được lợi thế sau tái cơ cấu; đồng thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch trả nợ cho DATC theo hợp đồng. Còn các doanh nghiệp do DATC đang tiến hành xử lý tái cơ cấu cũng không tiếp cận được các nguồn vốn do DATC đang sở hữu để giúp doanh nghiệp lại gặp nhiều trở ngại, dẫn đến tình trạng nguồn vốn dành cho đầu tư của DATC không được sử dụng hết, còn doanh nghiệp thì rơi vào cảnh tái cơ cấu dở dang.

Có thể cách làm sẽ không dễ dàng, nhưng đặt mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xấu là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác tái cấu trúc DNNN. Mục tiêu được nhìn nhận như một “nút thắt” cần phải được tháo gỡ để góp sức thực hiện thành công công cuộc tái cấu trúc DNNN tới đây.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam số 42 ngày 6/4/2012


Thống kê: 4.208.555
Online: 108