Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Kiểm soát tối đa nợ xấu song hành với mục tiêu tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi nợ xấu đang là một ẩn số trên thị trường mua bán nợ thì một định chế tài chính như Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) tiếp cận như thế nào?

          Minh bạch nợ xấu

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối năm 2010 vào khoảng 2,5%. Thống đốc cũng cho biết, toàn bộ dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chỉ dưới 26 nghìn tỷ đồng và hiện đang cơ cấu lại 16 nghìn tỷ đồng. Số này chưa đưa vào nợ xấu, và nếu tính vào cũng chỉ tăng 0,7%, ông Giàu giải thích thêm.

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay vào khoảng 2,5%

Phát sinh nợ xấu là tất yếu trong kinh doanh nói chung, hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Các ngân hàng thương mại phải chật vật đối phó với các khoản nợ khó đòi. Cách đây vài năm, một nhận định của TS Vũ Viết Ngoạn - Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCB) có giá trị cảnh báo: “Nợ xấu đang là vấn đề đau đầu với hầu hết các ngân hàng Châu Á và các ngân hàng Việt Nam không phải là ngoại lệ”. Trong bối cảnh chung của ngân hàng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, VCB đã tiến hành cổ phần hóa như một lựa chọn duy nhất và hợp lý nhất để tái cơ cấu tổ chức tín dụng này.

Theo ông Philip Paterson, Giám đốc bộ phận khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính của Ngân hàng ANZ, nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc gặp khó khăn về dòng tiền hoặc mất đi khả năng thanh toán. Do đó, các đối tác có quan hệ làm ăn với những doanh nghiệp này bỗng chốc phải gánh thêm phần nợ khó thu.

Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn một chương trình cải cách toàn diện với ngành ngân hàng Việt Nam với định hướng: Cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo yêu cầu của các tiêu chuẩn thanh toán quốc tế; Gấp rút xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản; Tăng cường năng lực, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán giám sát và quản trị ngân hàng;Tái cơ cấu tổ chức và từng bước mở rộng thị trường tài chính theo các cam kết quốc tế.

Gấp rút xử lý nợ xấu, điều kiện trước hết đòi hỏi từ phía ngân hàng phải minh bạch hoạt động của ngân hàng, trong đó có thông tin nợ xấu của mình. Đây là bước đầu để tạo lập một thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, thúc đẩy các định chế tài chính tham gia lành mạnh hóa tài chính. Trên thế giới, thị trường mua bán nợ xấu ngân hàng phát triển khá rôm rả. Các nước này có những công ty chuyên mua bán nợ xấu, hoạt động rất chuyên nghiệp.

Có một tiền lệ tồn tại nhiều năm, gây cản trở cho quá trình xử lý nợ xấu là nợ xấu của các ngân hàng luôn là câu hỏi không có trả lời chính xác. Trong khi các công ty kiểm toán, các định chế tài chính quốc tế nhận định số nợ khó đòi của các ngân hàng Việt Nam rất cao, thì bản thân các tổ chức tín dụng công bố luôn ở mức thấp. Tại sao có sự bất nhất này, nếu không nói là sự kém minh bạch để đi đến thống nhất thông tin, bên cạnh sự khác biệt về tiêu chí phân loại? Do đó, minh bạch thông tin nợ xấu được xem là chìa khóa để khách nợ và chủ nợ, vai trò của định chế trung gian gặp nhau và tìm được giải pháp.

Hướng đi của một định chế tài chính

Xử lý nợ xấu thông qua mua bán nợ hoặc mua bán nợ gắn với tái cấu trúc DN khách nợ là hoạt động kinh doanh rủi ro, nhưng thực tế cho thấy có thể xây dựng các tiêu chí để kiểm soát, quản trị các rủi ro này. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, mọi phương án kinh doanh mua bán nợ và tái cấu trúc DN phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo đạt được hiệu quả cao nhất, không để xảy ra tình trạng DN tiếp tục hoạt động không hiệu quả. Có thể thấy, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc DN là một hướng đi mới trong việc xử lý triệt để nợ xấu và góp phần làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của nền kinh tế nói chung và của chủ nợ nói riêng. Ỏ Việt Nam, DATC đã thực hiện thành công hoạt động này.

 

Sau khi mua nợ từ các chủ nợ, DATC đàm phán với chủ sở hữu, cổ đông khác của DN để chuyển nợ thành vốn góp (riêng đối với DNNN thực hiện cổ phần hóa thì DATC phải tham gia đấu giá cổ phần theo quy định). Sau khi trờ thành cổ đông, DATC thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DN như xóa một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh... nhằm phục hồi từ DN kinh doanh thua lỗ. Các DN đã được DATC tái cấu trúc thành công đến nay đều hoạt động kinh doanh có lãi, đã trả hết nợ ngân sách, nợ bảo hiểm xã hội, trả gần hết nợ cho DATC, đặc biệt một số đơn vị đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%.

Cái khó của DATC khi tiếp cận nợ xấu từ ngân hàng nằm ở chỗ: ngân hàng đưa ra thông tin chung chung và hầu như DATC không được mời. Một số trường hợp DATC chủ yếu là để “lấy giá”, sau đó bán cho đối tác khác. Điều này được xem là một tảng băng án ngữ trong giao dịch kinh tế giữa một công ty mua bán nợ và phía chủ nợ. Để tan băng, ngoài sự hợp tác để hiểu nhau về nghiệp vụ thì hiện những cơ chế cho hoạt động mua bán nợ xấu ngân hàng vẫn đang đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố. Theo ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN thì: độ mở về mặt tư duy của người làm chính sách, của cơ quan quản lý Nhà nước, mức độ phản ứng của chính sách với đòi hỏi của thị trường và khuôn khổ pháp lý đủ rộng cho hoạt động này là ba yếu tố cần thiết để tạo lập thị trường mua bán nợ sơ cấp, thứ cấp.

Thông tin chính thức từ DATC, từ năm 2005 đến 2010, Công ty đã tiếp cận xử lý được 10.856.261 triệu đồng từ giá trị khoản nợ, tài sản của các ngân hàng. Đây chưa phải là con số vượt trội, nhưng đã minh chứng cho sự vượt cái khó của DATC, tiếp tục giải quyết được các khoản nợ xấu của ngân hàng, góp phần quan trọng làm lành mạnh và minh bạch thị trường tài chính tiền tệ.

Kết quả kinh doanh Quý I năm 2011 của DATC đạt gần 39 tỷ đồng

Theo báo cáo, tổng doanh thu Quý I năm 2011 của DATC đạt 38.935 tỷ đồng, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 16.1267 tỷ đồng, doanh thu từ xử lý tài sản, thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận đạt 0,7 tỷ đồng, từ hoạt động tài chính là 22,7 tỷ đồng.

Các phương án mua bán nợ và tài sản cho doanh nghiệp đang được DATC tập trung giải quyết là: Tổng công ty Dâu Tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty COMA, Công ty Cà phê Buôn Mê Thuột, Tập đoàn QT Năm Sao, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Công ty chè Sơn La, Công ty Cơ khí ô tô thiết bị điện Đà Nẵng, Công ty Cà phê Đức Lập.

Bên cạnh sự chủ động phối hợp với HĐQT các công ty cổ phần để tổ chức Đại hội cổ đông thường niên, DATC tiếp tục hoàn chỉnh các hồ sơ để niêm yết cổ phiếu của các công ty cổ phần mà Công ty mua bán nợ đã cơ cấu thành công. Sắp tới, sàn Giao dịch Chứng khoán sẽ xuất hiện mã chứng khoán của các đơn vị: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Procimex Việt Nam tại Đà Nẵng và một số công ty khác.

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tháng 4/2011


Thống kê: 4.208.592
Online: 46