Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Cùng với việc chuyển đổi mô hình, các khoản nợ cũng được chuyển giao cho các công ty lâm nghiệp. Nợ mới đè lên nợ cũ khiến các đơn vị này gặp khó khăn trong tiếp cận vốn đầu tư tái sản xuất. Điều này cho thấy, việc xử lý tận gốc các khoản nợ của các công ty lâm nghiệp với sự tham gia của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là thực sự cần thiết.

Nợ mới đè lên nợ cũ

Trải qua hơn 10 năm sắp xếp, đổi mới, hiện cả nước 319 công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, việc chuyển đổi này chỉ là đổi tên, còn cơ chế quản lý và phương thức hoạt động vẫn như trước. Cùng với đó, các khoản nợ tại các nông, lâm trường tiếp tục được “ngâm giữ” từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngày càng phình to.

Hiện 15 lâm trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất việc chuyển đổi thành các công ty TNHH MTV lâm nghiệp với tổng diện tích đang quản lý 196.523ha rừng và đất rừng. Theo đó, sau khi chuyển đổi nhiều công ty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, một số công ty có chỉ tiêu khai thác gỗ nhưng vẫn không được khai thác. Vì vậy, nguồn thu chủ yếu từ tiền bán gỗ khai thác rừng tự nhiên theo kế hoạch hàng năm không còn, các công ty mở rộng đầu tư kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, dẫn đến thua lỗ. Phần lớn công ty lâm nghiệp trên địa bàn rơi vào cảnh nợ đọng ngân hàng, nợ lương công nhân, kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn đầu tư sản xuất…

Theo ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan - Đắk Lắk: Tính đến nay, công ty đang nợ 3,6 tỷ đồng tiền lương công nhân và hơn 2 tỷ đồng tiền vay của cán bộ, công nhân từ việc họ “cắm” sổ đỏ vay tiền ngân hàng cho công ty. Trong khi đó, công ty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ nên không có nguồn thu và không có tiền trả nợ.

Tương tự, ông Phạm Đăng Hân, Giám đốc Công ty Yên Bình – Yên Bái cho biết, tính đến nay công ty đang "ôm" khoản nợ lên tới gần 6 tỷ đồng. Nợ mới đè lên nợ cũ đã gây sức ép rất lớn đến khả năng làm việc của toàn thể công nhân viên. Hơn nữa, cũng vì khó khăn quá nên công ty đã nhiều lần buộc phải khai thác rừng non 4 - 5 tuổi (chưa đến tuổi khai thác) với giá trị thấp, hoặc thế chấp cây trồng trước kỳ thu hoạch. Do chưa trả nợ cũ nên nhiều năm liền công ty không được tiếp cận vốn từ các ngân hàng, trái lại còn phải ‘gánh’ khoản nợ cũ lâm trường để lại. Do đó, công ty hầu như không thể tổ chức trồng rừng tập trung, buộc phải giao khoán 100% phần diện tích cho công nhân và nhân dân địa phương có đủ tiềm lực về vốn và quản lý giữ rừng, giữ đất cho công ty.

Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam, đơn vị này quản lý tổng diện tích 2,6 nghìn ha, trong đó chỉ có 32,1 ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đều được lãnh đạo doanh nghiệp các thời kỳ trước giao khoán cho các hộ dân trong vùng. 38 cán bộ, công nhân viên trong đơn vị chủ yếu làm công tác quản lý, sản xuất cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, thường xuyên thiếu việc làm. Bên cạnh đó là khoản nợ các thời kỳ trước để lại hơn 30 tỷ đồng. Trong đó có khoản tiền vay giúp người dân trồng rừng từ những năm 2000 đến nay không thu hồi được. Gần 12 tỷ đồng còn lại được doanh nghiệp vay đầu tư trồng rừng cũng sắp đến hạn trả khiến việc tái đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, mặc dù đã chuyển đổi mô hình, nhưng hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thậm chí do các khoản nợ cũ chưa được xử lý triệt để khiến việc tiếp cận vốn vay mới của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thua lỗ. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả của công ty nông, lâm nghiệpdo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo chỉ quy định chung chung về vấn đề xử lý tài chính khi thực hiện chuyển đổi. Theo đó, sẽ thực hiện rà soát, thống kê lại vốn và tài sản, các khoản nợ đọng của từng đơn vị; xử lý dứt điểm đối với các khoản công nợ khó đòi, các khoản phải trả. Trong đó có các khoản nợ không có khả năng thanh toán khi thực hiện không hiệu quả các chương trình, dự án của Chính phủ thông qua nông, lâm trường trước đây nhưng hiện nay các công ty nông, lâm nghiệp phải kế thừa trách nhiệm.

Cần sự tham gia của DATC       

Để các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, vấn đề cốt lõi là xử lý tận gốc các khoản nợ với sự tham gia của DATC, đồng thời thay đổi mạnh mẽ vấn đề quản trị. Hình thức này đã được DATC triển khai thực hiện từ năm 2007, đơn vị sẽ giúp doanh nghiệp khách nợ cơ cấu lại tài chính để đảm bảo cho doanh nghiệp có vốn tiếp tục hoạt động, đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu thông qua việc giảm một phần nghĩa vụ trả nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, DATC tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để giúp doanh nghiệp khách nợ cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, phát triển, từ đó tạo nguồn trả nợ. Với những hỗ trợ của DATC, các doanh nghiệp khách nợ từng bước lấy lại niềm tin của người lao động, của đối tác và khách hàng, đồng thời triển khai được một số hoạt động quan trọng để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục hồi lại và phát triển thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có nguồn trả nợ từ lợi nhuận sau thuế và khấu hao tài sản cố định, không phải bán tài sản để trả nợ.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp cho rằng, để các công ty nông, lâm nghiệp thực sự có sự thay đổi về “chất”, việc DATC tham gia vào làm lành mạnh hóa tình hình tài chính và kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vốn thực sự cần thiết. Bởi vấn đề đầu tiên mà nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp là tình hình công nợ và bộ máy hoạt động. Ở các nước trên thế giới chỉ có người giàu mới làm rừng vì đầu tư cho rừng cao hơn nhiều so với những ngành khác; thứ hai là nó quá dài nên không thích hợp với người dân nghèo; thứ ba là rủi ro lớn, một đêm bão là hết rừng, một đốm lửa là mất trắng, một năm sâu bệnh cũng hết rừng. Vì vậy, việc xử lý nợ của các công ty lâm nghiệp làm tiền đề thu hút nhà đầu tư là thực sự cần thiết để tạo bước đột phá trong quá trình đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh.

Mặt khác, việc xử lý nợ cho các lâm trường còn là giúp đỡ người dân. Vì khi các các khoản nợ của lâm trường được xử lý, đơn vị có thể tiếp cận nguồn vốn mới, đầu tư tái sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Sau khi kinh doanh có lãi, các công ty lâm nghiệp sẽ làm đường giao thông, xây dựng hạ tầng giúp dân. Hơn thế, thông qua thuê người dân canh tác, trồng rừng, các công ty nông, lâm nghiệp huấn luyện cho dân những nghiệp vụ về lấy hạt giống và khai thác gỗ.

TRANG LÊ

Tạp chí TCDN


Thống kê: 3.871.719
Online: 101