Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Xuân Nhâm Thìn sắp tới, thêm một năm Công ty Mua bán nợ Việt Nam bước sang tuổi thứ 9. Tuy tuổi đời doanh nghiệp còn trẻ nhưng những gì đóng góp của DATC thời gian qua thật đáng trân trọng. DATC đã hoàn thành các trọng trách do Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính giao phó. Bằng những việc làm cụ thể DATC đã vực dậy nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp gian khó, biết bao con người từ không có công ăn việc làm có được đời sống ổn định.

            Những chuyến đi từ thiện…

Gắn bó với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (trước đây là Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp) khá lâu nên phần nào tôi hiểu rõ công việc cũng như con người nơi đây. Từ lúc mới thành lập còn muôn vàn khó khăn (năm 2003) cho đến thời điểm hiện tại, công ty đã có bước phát triển vượt bậc, khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. Để có được thành quả như ngày hôm nay, không thể không kể đến những người lãnh đạo nơi đây, họ đã làm rất tốt vai trò chèo lái con thuyền DATC. Các anh đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng trong những chuyến đi công tác dài ngày và những chuyến đi từ thiện ở các vùng miền xa xôi.

Cảm nhận đầu tiên của tôi đối với Tổng Giám đốc Phạm Thanh Quang trong chuyến đi từ thiện ở Gia Lai là thật gần gũi, chân tình. Đó là vào khoảng năm 2009, đoàn công tác Bộ Tài chính với nhiều thành viên tham gia, trong đó có tôi với tư cách là nhà báo theo đoàn công tác vào ủng hộ việc xây đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Kanak. Trên đường đi, đoàn đã ghé vào thăm nhiều địa danh di tích lịch sử như: Ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Trạm xá Đặng Thùy Trâm… Chuyến đi ấy đã để lại trong tôi cũng như mọi người nhiều ấn tượng khó quên. Đó cũng là cuộc tri ân với những anh hùng, liệt sỹ đã không tiếc máu xương mình vì tổ quốc thân yêu. Tổng Giám đốc Phạm Thanh Quang với tấm lòng hảo tâm, luôn chia sẻ, ủng hộ những địa danh, hay mảnh đời bất hạnh. Ông cũng từng là người lính nên hiểu chiến tranh tàn khốc như thế nào, nó không những tàn phá quê hương mà còn cướp đi sinh mạng của những đồng đội ông. Tôi còn nhớ lúc đến thăm Trạm xá Đặng Thùy Trâm, ông đã rất xúc động trước một địa danh, một nữ anh hùng đã làm nên huyền thoại. Và ông đã tri ân với tất cả tấm lòng.

Tôi cũng có may mắn được làm việc, được thực tế cùng Chủ tịch HĐQT Phạm Phan Quang, trong chuyến đi từ thiện những ngày cuối năm 2011 ở tỉnh Sơn La. Tại đây, DATC và Công ty Mía Đường Sơn La đã trao tặng người dân vùng nguyên liệu mía ở huyện Mai Sơn một căn nhà đại đoàn kết và một ngôi trường tiểu học khang trang. Với số tiền ủng hộ hơn 5 tỷ đồng, ngôi trường tiểu học mang ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5 chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng sau 2 năm khởi công xây dựng. Nói về điều này, ông thật khiêm tốn: “DATC và Công ty Mía đường chỉ mong góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người của địa phương, để những em nhỏ vùng cao này có cơ sở học tập, vui chơi tốt hơn, tạo tiền đề cơ bản để phát triển nguồn nhân lực trẻ, những thế hệ tương lai cho đất nước”.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La và DATC tại lễ khánh thành

Trường tiểu học 19/5 Mai Sơn, Sơn La

Song song với hoạt động kinh doanh, cùng phương châm “gắn hoạt động kinh doanh với công tác xã hội”, trong các năm qua, Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, chất độc da cam…Việc DATC cùng Bộ Tài chính ủng hộ xây dựng khu hành lễ ở Nghĩa trang Đường 9 vừa qua cũng là một nghĩa cử cao đẹp. Phải chăng đó là văn hóa của công ty mà DATC đã dày công hun đắp. Từ lãnh đạo đến nhân viên, tất cả đều đồng lòng hưởng ứng những việc làm cao đẹp. Đi làm từ thiện ở tận vùng sâu, vùng xa cũng là các anh khởi xướng và luôn đi đầu, không quản ngại khó khăn gian khổ để mang đến cho đời những mùa xuân, những nụ cười tươi đẹp.

Ông Hoàng Văn Chất, Phó Bí thư tỉnh Sơn La đã nhiều lần nhắc đến sự tri ân của DATC. Nhờ có DATC mà doanh nghiệp mía đường, một công ty đang đứng trước bờ vực phá sản đã được DATC giúp xử lý những tồn đọng tài chính, tái cơ cấu lại và chuyển đổi thành công ty cổ phần cùng người dân vùng mía đã có cơ hội đổi đời. Tỉnh Sơn La mong muốn tới đây, DATC sẽ tiếp tục mang hơi ấm đến với đồng bào dân tộc và một số doanh nghiệp còn khó khăn trên đất Sơn La để có được sự thành công như Công ty Mía đường thời gian qua.

Gia đình ông Lò Văn Sáng vui mừng đón năm mới

trong ngôi nhà đại đoàn kết

Đến tái cơ cấu thành công DN

Các DN đã và đang được DATC tái cấu trúc đều có những tín hiệu đáng mừng. Nhiều doanh nghiệp mới hoàn tất cơ cấu trong vòng một năm đã từng bước bình ổn và mở rộng sản xuất, giảm và cắt được lỗ, bước đầu có lãi. Cũng có nhiều DN sau khi được DATC tái cấu trúc vài ba năm như SADICO Cần Thơ, Đường Kon Tum, Đường Sơn La... đã mạnh mẽ lên rất nhiều, tự chủ được tài chính, kết quả kinh doanh sau tái cơ cấu rất ấn tượng, các chỉ tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng 20 – 30% năm, cổ tức tiền mặt 25 – 30%, thậm chí tới 60%.

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc DATC cho biết: Từ đầu năm đến nay DATC đã thực hiện tái cấu trúc cho khoảng hơn chục DN và sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tiếp những DN đã và đang nằm trong kế hoạch triển khai, kể cả việc hỗ trợ để chuyển đổi CPH hai đơn vị được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc họp của Chính Phủ là Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam và Tổng công ty Dâu tằm tơ. Đó là một khối lượng công việc rất lớn nhưng DATC với các đối tác đã có sự chuẩn bị kỹ từ khâu rà soát DN đến đàm phán nợ nên mọi công việc diễn ra đều rất thuận lợi. Định hướng chung của DATC là sau khi tái cấu trúc xong, thì đối với các DN đủ điều kiện niêm yết, sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn, và từng bước thực hiện việc thoái đầu tư vốn. Hiện có 2 DN đã lên sàn Hà Nội là CTCP Sadico Cần Thơ và CTCP Đường Kon Tum. Một số đơn vị nằm trong kế hoạch chuẩn bị lên sàn là CTCP Mía Đường Sơn La, Procimex Việt Nam. Việc thoái vốn đã thực hiện ở một số đơn vị như CTCP Cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long, CTCP sản xuất và thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng, gần đây nhất là CTCP Nhôm Khánh Hòa, CTCP chế biến thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang, CTCP Sadico Cần Thơ. Mục tiêu của thoái vốn không chỉ đơn thuần là bán vốn được giá cao, mà còn phải tìm các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ cho DN tiếp tục bình ổn và phát triển. Đây cũng là nét đặc thù trong hoạt động thoái vốn thời hậu tái cấu trúc DN của DATC và cũng rất cần những quy định đặc thù, linh hoạt của Nhà nước.

Tuy nhiên, để thị trường mua bán nợ hoạt động tốt, Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ và có những cơ chế khuyến khích cho các chủ thể tham gia để thị trường hoạt động được hiệu quả hơn. Việc mua nợ xấu tuy khó nhưng còn dễ hơn nhiều so với tìm ra cách thức xử lý nợ xấu phù hợp nên các chủ thể đầu tư cần Nhà nước có những hướng dẫn phù hợp với đặc thù thị trường nợ xấu về xử lý tài sản bảo đảm, kiểm soát DN vỡ nợ, bảo hộ phá sản, thẩm quyền yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp, các cơ chế khuyến khích về thuế, về hỗ trợ tài chính... Nếu thiếu sự để tâm của những người làm chính sách, thị trường nợ xấu Việt Nam sẽ vẫn mãi chỉ ở dạng tiềm năng.

Một mùa xuân nữa lại sắp đến, còn nhiều công việc mới cho một năm mới nhưng dự định nào, công việc nào để có được thành công cũng cần đến một cái “tâm” và “tầm”. Tin rằng DATC bằng tấm lòng thiện nguyện và tiềm năng của một doanh nghiệp trẻ sẽ luôn mang đến cho đời, cho người những nụ cười của mùa xuân mới./.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam số 1-2 (ngày 2/1/2012 - 4/1/2012)


Thống kê: 3.852.327
Online: 84