da

Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC Lê Hoàng Hải chủ trì Hội nghị thường niên Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế lần thứ 4.

Bước sang năm 2021, với vị thế pháp lý mới từ Nghị định 129/2020/NĐ-CP, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để trở thành một định chế tài chính quan trọng trong nền kinh tế.

Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng hơn 200%

Theo DATC, tổng kết giai đoạn 2015 – 2020 vừa qua, với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ và người lao động, công ty đã vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội và linh hoạt áp dụng các giải pháp để đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị do Chính phủ giao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, lành mạnh hóa tình hình tài chính thông qua hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản. Qua đó, công ty góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, cải thiện thanh khoản và nâng cao chất lượng của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, tổng doanh thu trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng 211,8% so với kỳ trước. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 218,37% so với giai đoạn trước. Tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, tăng 222,82% so với giai đoạn trước. Trong đó, DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của 159 doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nhanh, hiệu quả tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo đề án của các bộ, ngành, địa phương. DATC mua và xử lý với tổng giá trị các khoản nợ trên 25 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính cho 83 doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và phát triển vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, DATC đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan đến tái cơ cấu nợ của hàng loạt “ông lớn” như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (CTCP Vinalines); Công ty cổ phần thực phẩm miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty Haprosimex… qua đó tái cơ cấu nợ, giảm áp lực trả nợ, từng bước cân đối tình hình tài chính, tiết giảm chi phí, từ đó góp phần giảm thiệt hại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đơn cử, tại SBIC, ngoài việc tập trung triển khai công tác theo dõi, giám sát thanh lý nhượng bán tài sản bảo đảm, tài sản hình thành từ nguồn trái phiếu DATC, DATC còn phối hợp đôn đốc SBIC đẩy nhanh việc phân chia và quản lý nguồn thu từ xử lý tài sản theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. DATC cũng phối hợp với SBIC báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp thẩm quyền về những vướng mắc trong quá trình bán tài sản, phân chia nguồn thu từ bán tài sản; tích cực tham gia ý kiến các nội dung liên quan đến tái cơ cấu SBIC… Tương tự tại Vinalines, DATC tiếp tục triển khai đàm phán mua và xử lý các khoản nợ phải thu của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp thành viên. Lũy kế từ năm 2015 đến nay, tổng giá trị khoản nợ DATC đã mua từ các tổ chức tín dụng đạt 9.154 tỷ đồng.

Riêng năm 2020, trước sự xuất hiện bất ngờ của dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, đặc biệt là nợ xấu của doanh nghiệp, DATC đã lên kế hoạch và vào cuộc tích cực. Ban lãnh đạo DATC đã chủ động tìm kiếm mua bán và xử lý các khoản nợ xấu của nền kinh tế và đưa ra các giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể, mang lại những kết quả đáng kể. Bên cạnh đó, DATC cũng nghiên cứu áp dụng các phương pháp xử lý nợ mới như mua bán nợ theo lô, chia sẻ lãi lỗ… để tăng cường tốc độ và hiệu quả xử lý nợ xấu.

Với kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, DATC có 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 6 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều tập thể, cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nâng tầm vị thế trên thị trường mua bán nợ

Theo ông Lê Hoàng Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC, nhìn lại chặng đường đã qua, tập thể cán bộ nhân viên công ty qua các thời kỳ đã cùng nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt vai trò là công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ và tài sản tồn đọng để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, DATC cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức tại Việt Nam, hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại xử lý giảm nợ xấu. Qua đó, DATC từng bước nâng tầm, khẳng định vị thế trong hoạt động mua bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.

Trong giai đoạn tới, DATC xác định các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ là tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN, phấn đấu hoàn thành xong việc xử lý nợ và tài sản đã tiếp nhận để thu hồi vốn cho Nhà nước với hiệu quả cao nhất. Đồng thời, công ty nghiên cứu đổi mới cách làm, cách thức phối hợp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đối tác, từ đó đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp tương xứng với quy mô và năng lực của công ty.

Bên cạnh đó, từng bước thực hiện lộ trình cổ phần hoá công ty theo chỉ đạo của Bộ Tài chính; kiện toàn bộ máy, tổ chức của công ty phù hợp với giai đoạn mới; tiếp tục duy trì, tăng cường và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế để trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm trong xử lý nợ và tài sản cũng như trong chiến lược phát triển công ty giai đoạn mới. Công ty đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng bình quân trong kỳ 10 - 15% so với giai đoạn trước, ổn định thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên.

“Bước sang tuổi 18 với sức trẻ và nền tảng hiện có, cùng những kinh nghiệm quý báu đã tích luỹ trong suốt chặng đường đã qua, DATC sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021 cũng như các năm kế tiếp, từng bước phát triển trở thành một định chế tài chính quan trọng trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, ông Lê Hoàng Hải khẳng định.