Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Với lộ trình sẽ giải quyết hết nợ khu vực DNNN vào năm 2015 xem ra gánh nặng đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hiện nay là rất lớn. Với cơ chế hiện hành thì liệu DATC có thể hoàn thành nhiệm vụ này đúng hẹn không?

           Chỉ mới tiếp cận khoảng 9% nợ xấu:

Mặc dù là công ty xử lý nợ mang tầm quốc gia duy nhất nhưng DATC vẫn chưa tiếp cận xử lý được nhiều các “món nợ tầm quốc gia”, chẳng hạn như nợ xấu tại Vinashin. Nhóm chuyên gia tư vấn cho DATC gần đây đánh giá: DATC hiện chưa được coi là tổ chức giữ vai trò chiến lược trong việc xử lý nợ xấu trên phạm vi nền kinh tế. Bởi giá trị các khoản nợ xấu mà DATC tiếp nhận mới chỉ gần bằng 9% khối lượng nợ xấu đã công bố. Đây là kết quả đáng suy nghĩ trong quá trình đất nước đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, xử lý nợ xấu.

Một trong những nguyên nhân khiến việc tiếp cận, xử lý nợ xấu chưa được thực hiện tốt đó là do phương thức mua nợ. Hiện tại, DATC đang tiến hành thương thảo riêng biệt với từng chủ nợ và thanh toán nợ mua bằng tiền theo giá thỏa thuận nên rủi ro của đơn vị này khá cao. Vì DATC phải thu lại số tiền ít nhất bằng số tiền đã trả theo thỏa thuận với ngân hàng. Ngoài ra, một yêu cầu khá cấp thiết là cần cho các doanh nghiệp đang được tái cơ cấu vay vốn bổ sung để làm “vốn mồi” nhằm tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp này sớm vượt qua ốm yếu, đảm bảo tái cơ cấu thành công hơn. Nhưng do chưa có đủ các biện pháp, quy trình quản lý rủi ro từ khâu quản trị doanh nghiệp của DATC cũng như khuôn khổ pháp lý nên chủ sở hữu của DATC (Bộ Tài chính) vẫn chưa đồng ý chủ trương này, vì vậy sự linh hoạt trong quá trình tái cơ cấu nợ có phần bị hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện DATC và các ngân hàng thương mại đang có bất đồng về giá mua. Bởi mục tiêu cơ bản của DATC là bảo toàn vốn nhà nước nên DATC không thể chấp nhận rủi ro. Do vậy, họ có xu hướng chào giá mua thấp. Trong khi đó, ngân hàng ngần ngại không bán vì phải ghi nhận một khoản lỗ ngay khi bán và lo ngại bán với giá rẻ.

Không chỉ là tiền mặt

Để xử lý những vướng mắc về tài chính, đặc biệt là sự bất đồng về giá giữa DATC và các ngân hàng, đồng thời tạo lợi ích đồng bộ cho cả DATC, Bộ Tài chính và ngân hàng, trong một cuộc hội thảo mới đây về mô hình hoạt động của DATC, một số ý kiến cho rằng: Song song với việc mua bán nợ bằng tiền mặt, DATC cần lập một mô hình mới là DATC Notes. DATC Notes là giấy biên nhận bảo đảm bằng một số khoản nợ được mua gắn với số tiền thực tế thu hồi để các ngân hàng có thể tham gia. Tức là, DATC trả cho các khoản nợ vừa bằng tiền mặt vừa bằng giấy biên nhận. DATC Notes sẽ nêu rõ tỷ lệ chia sẻ từ các khoản tiền thu được từ các khoản nợ này trong tương lai sẽ trả lại cho ngân hàng cho vay sau khi DATC thu được lại khoản tiền đã bỏ ra ban đầu (cộng với một khoản lợi nhuận được thỏa thuận). DATC Notes được đánh giá lại hàng năm bởi DATC, cho phép các ngân hàng ghi nhận các khoản lỗ theo một thời gian thích hợp. Phân bổ khoản lỗ trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng: Giá của Notes không quan trọng vì phần tiền mặt ban đầu thấp hơn rất nhiều so với giá trị khoản nợ có thể thu hồi và phần chia bổ sung các khoản thu hồi được sau này. Vì vậy, trong một số trường hợp, việc phân bổ khoản tiền thu hồi được sau này giữa các chủ nợ và DATC không thỏa thuận được thì cần có chuyên gia phân xử về giá để xác định việc chia.

Với DATC Notes, DATC sẽ đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động và chi phí vốn. Trong khi ngân hàng tiếp tục giữ được quyền thu hồi nợ bổ sung bằng các khoản thu hồi từ nợ xấu sau này.

DATC Notes - Bớt rủi ro, tăng nguồn lực

Mô hình mới sẽ cho phép chuyển giao nhanh các khoản nợ cho DATC tái cơ cấu, qua đó, giảm đáng kể rủi ro mất vốn của nhà nước, giảm thời gian thương thảo về giá. Đồng thời, nếu áp dụng mô hình này DATC sẽ tạo được sự độc lập hơn, ngoài ra còn chia sẻ được một khoản lỗ cho các ngân hàng thông qua khoản ghi nợ.

Bên cạnh đó, DATC Notes sẽ cung cấp cho ngân hàng một cơ chế có thể tạo ra kết quả tốt hơn là cố gắng tự xử lý. Theo đó, các ngân hàng mẹ chuyển giao chính thức các khoản vay với một mức giá được thống nhất cho các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng (AMC) và có thể cho các AMC công khai đấu giá các khoản nợ xấu. Đặc biệt, cơ chế mới sẽ tạo lợi ích đồng bộ đối với cả DATC, Bộ Tài chính và các ngân hàng. Cụ thể, đối với DATC, mặc dù vẫn phải trả một ít tiền và vẫn có một số rủi ro nhưng sẽ phải cẩn thận trong việc soát xét đặc biệt và thu hồi nợ. Nghĩa là, DATC vẫn có động lực về lợi nhuận nhưng với mức độ rủi ro thấp hơn và DATC không có rủi ro mua nợ ở mức giá quá cao. Với DATC Notes, cam kết trả tiền mặt trước của DATC sẽ ít hơn, làm như vậy sẽ khả thi hơn biện pháp bỏ vốn đầu tư bổ sung vào các công ty như hiện nay DATC vẫn làm, bởi vì vốn này ưu tiên thu hồi đầu tiên. Những tiện ích của DATC Notes sẽ giúp hoạt động của DATC có kết quả tốt hơn, tích cực hơn vì có cơ chế khuyến khích để thực hiện công việc.

Đối với Bộ Tài chính, với DATC Notes, DATC sẽ cam kết vốn ít hơn cho một trường hợp và có tỷ lệ thu hồi dự kiến cao hơn tiền trả ban đầu, giảm thấp nhất rủi ro cho vốn nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính sẽ không còn nhiều quan ngại về vấn đề sử dụng vốn mua nợ ở DATC. Như vậy, DATC có thể tư do hoạt động để đạt hiệu quả cao hơn. Các trường hợp nợ sẽ được chuyển giao cho DATC dễ dàng hơn. Theo đó, xử lý nợ tổng thể sẽ tăng lên. DATC có thể xử lý được rất nhiều nợ xấu cùng một lượng vốn nhất định. Nợ xấu sẽ được xử lý hiệu quả.

Đối với các ngân hàng, DATC Notes sẽ giảm rủi ro lúng túng do lo ngại giá bán quá thấp. Mặt khác, do không có giá chuyển nhượng nên ngân hàng vừa nhận được một số tiền ban đầu vừa có lợi nhuận một phần của khoản thu hồi. Ngoài ra, ngân hàng còn có thể nhanh chóng chuyển nhượng rất nhiều khoản nợ xấu cho DATC và tập trung vào phát triển ngân hàng tốt. Cùng với đó, ngân hàng có thể phân bổ khoản lỗ theo thời gian thu hồi, việc này sẽ dễ quản lý hơn là ghi toàn bộ vào lỗ trong kỳ. Vì vậy, với một công thức sẵn chung, nghĩa là “giá” không quan trọng bời vì họ sẽ nhận được tiền thêm nếu việc tái cơ cấu thực hiện tốt. Các ngân hàng sẽ được khuyến khích bởi vừa có thể lấy được một khoản tiền mặt ngay ban đầu và vừa chuyển giao được nhanh chóng các khoản nợ xấu. Nắm giữ Notes cho phép ngân hàng phân bổ khoản lỗ vào nhiều năm, do vậy không bị hích mạnh khi bán/chuyển giao nợ xấu.

Hơn nữa, do DATC có năng lực mà các AMC của ngân hàng không có, đó là DATC có thể xử lý các khoản nợ vay hợp vốn, kết dính các ngân hàng cùng xử lý. Đặc biệt, đối với những công ty có nợ xấu có vay nhiều ngân hàng thì một AMC độc lập với ngân hàng là nơi tốt nhất để xử lý các yêu cầu đòi tiền cạnh tranh với nhau. Mặt khác, DATC có nhiều quyền lực để tái cơ cấu tốt hơn so với các AMC của ngân hàng như: trong một số trường hợp DATC có thể cho vay hỗ trợ tạm thời hoặc bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, DATC còn tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để doanh nghiệp khách nợ tái cơ cấu một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, DATC Notes vẫn tồn tại một số rủi ro (cần đảm bảo khả năng thu hồi lớn hơn so với tiền mặt) tập trung vào khả năng thu hồi. Vì vậy, trước khi mua nợ DATC cần có sự cân nhắc kỹ số vốn bỏ ra với một tỷ lệ nhất định, đồng thời giữa DATC và ngân hàng cần có sự đồng thuận về giá mua ban đầu, tỷ lệ phân phối lợi nhuận sau khi đã hoàn thành tái cơ cấu.

Như vậy, với mô hình mới, DATC sẽ đảm nhiệm phần lớn các công việc tái cơ cấu, việc thu hồi nợ từ tài sản bảo đảm sẽ do các ngân hàng đảm nhận. Trong đó, Ngân hàng cần có sự khuyến khích tích cực để chuyển giao và DATC cần có sự khuyến khích tích cực để nhận các khoản nợ.

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 4/2012


Thống kê: 3.775.912
Online: 31