Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong ngày hôm nay, sau khi tiếng cồng ngân lên trong khán phòng này, đánh dấu sự giao dịch chính thức của cổ phiếu công ty trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung là ở chỗ, sau giờ phút này, chúng tôi đã lớn mạnh, đã trở thành công ty của công chúng.

Thưa ông, KTS lên sàn, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp khi đã đứng lên, trưởng thành từ bờ vực phá sản. Là người của Đường Kon Tum từ ngày thành lập, tâm trạng của ông giờ này như thế nào và đâu là điều ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông?

- Một chặng đường đã đi qua của Đường Kontum có thể nói là rất đặc biệt trong lịch sử của doanh nghiệp chúng tôi, cũng như lịch sử của nhiều DNNN làm ăn thua lỗ được tái cơ cấu thông qua Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Việc công ty chúng tôi lên sàn là một sự nỗ lực không ngừng, sự vươn lên quyết liệt của nội bộ Đường Kontum, của các đơn vị, ban ngành từ TW đến địa phương... mà đặc biệt nhất là của đội ngũ những người làm công tác mua bán nợ Việt Nam. Chúng tôi đã lớn mạnh về tài chính, có nhiều thay đổi tích cực trong công tác quản lý điều hành để doanh nghiệp vững vàng vươn tới.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong ngày hôm nay, sau khi tiếng cồng ngân lên trong khán phòng này, đánh dấu sự giao dịch chính thức của cổ phiếu công ty trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung là ở chỗ, sau giờ phút này, chúng tôi đã lớn mạnh, đã trở thành công ty của công chúng. Tôi rơi nước mắt vì điều này. Chúng tôi đã làm được, đã đứng lên được, đã thành công được và sẽ cố gắng để thành công đó được vững bền.

Thưa ông, KTS là mã cổ phiếu thứ hai sau Sadico Cần Thơ lên sàn chứng khoán từ phương thức mua bán nợ, và đều đứng ở mức giá khá cao trong điều kiện thị trường suy giảm. KTS lên sàn thành công như thế này có ý nghĩa gì với cá nhân ông?

- Sau khi tái cơ cấu, chúng tôi thấy rằng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc tái cấu trức lại các DNNN làm ăn thua lỗ, giúp họ hoàn thiện bộ máy, thị trường, bảo toàn và tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển là một hoạt động hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Tôi tâm đắc nhất là chính chúng tôi đây cũng là những người tưởng như rơi xuống vực thẳm cùng doanh nghiệp, cũng tưởng như sự nghiệp, công ăn việc làm của mình đã đứt gánh nửa chừng. Vậy mà chỉ có 2 năm thôi, với sự góp sức tận tình và sát sao, hiệu quả của DATC, tôi đứng trên sàn giao dịch này với tư cách là người điều hành một doanh nghiệp vững mạnh, được chính những người đầu tư trên sàn đánh giá cao thông qua giá giao dịch cổ phiếu gấp xấp xỉ 4 lần mệnh giá... Đó là điều hạnh phúc nhất, có ý nghĩa nhất đối với tôi - Tổng giám đốc - nói riêng, với Đường Kon Tum nói chung. Hơn nữa, nhiều hộ nông dân trồng mía ở trong vùng đã mua cổ phiếu với công ty chúng tôi ngay từ những ngày đầu; vì vậy, món đầu tư lãi gấp 4 lần vốn gốc của cổ phiếu KTS ngày hôm nay cũng là phần thưởng xứng đáng với họ. Tôi rất vui vì ý nghĩa này.

Mấy tuần gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nói nhiều đến việc ùn ứ mía nguyên liệu tại nhà máy. Ông thấy vấn đề này nghiêm trọng không đối với việc thu mua mía của nông dân để đảm bảo quyền lợi của người trồng mía đối với doanh nghiệp?

- Vấn đề ùn ứ mía nguyên liệu tại cổng nhà máy là có thật và chúng tôi cũng đang tìm mọi cách để giải quyết, tránh thiệt hại nhiều nhất cho các bên, kể cả doanh nghiệp lẫn người cung cấp nguyên liệu. Sự việc này thì nhà máy đường nào cũng có lúc gặp phải. Trong một thời gian dài, để tránh những va chạm, mâu thuẫn về quyền lợi của doanh nghiệp và người trồng mía, đồng thời hỗ trợ người trồng mía (vốn đại đa số là đồng bào các dân tộc ít người) trong vùng, chúng tôi đã đầu tư ứng trước cho bà con, và từ ngày 13/11/2010, Công ty đã bắt đầu thu mua mía nguyên liệu. Niên vụ năm nay, với năng suất đạt khá cao từ 70 - 90 tấn mía cây trên một hecta, trừ các khoản chi phí, người trồng mía ở Kon Tum còn lãi xấp xỉ 30 triệu đồng/hecta. Trong vụ ép năm may, để tránh tình trạng ùn tắc mía nguyên liệu tại Nhà máy, Công ty cũng đã áp dụng triệt để hệ thống quản lý tự động, quản lý ngay từ khâu phát phiếu chặt mía đến khâu thanh toán. Tuy nhiên, một số hộ lại không tuân thủ chặt chẽ theo lịch đã định, nên tình trạng ùn ứ xảy ra là sự việc khó tránh khỏi, bởi công suất của nhà máy chỉ mới đạt 1.500 tấn mía cây/ngày. Chúng tôi đã có nghị quyết của HĐQT nâng công suất nhà máy đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển vùng nguyên liệu từ 1.500 đến 1.800 tấn mía/ngày cho vụ 2011 - 2012.

Xin cảm ơn ông!

Thời báo Tài chính Việt Nam số 4 ngày 10/1/2011


Thống kê: 3.870.435
Online: 76