Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Công ty CP Đường Kon Tum tiền thân là Công ty Mía đường Kon Tum, một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộcUBND tỉnh Kon Tum, được thành lập từ năm 1995 trong Chương trình phát triển mía đường quốc gia. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến ngày 1/7/2008, với sự tái thiết của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), Công ty chính thức được chuyển đổi thành CTCP Đường Kon Tum, đánh dấu một giai đoạn mới, một bước ngoặt mang tính đột phá mới trong hành trình phát triển đi lên của doanh nghiệp này trong thời kỳ mới.

                Khi còn là DNNN, kể từ khi được thành lập tới tận năm 2008, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Công ty Mía đường Kon Tum bị lâm vào khủng hoảng và nợ nần (tổng số nợ của Công ty tính đến ngày 31/3/2007 đã lên đến hơn 115 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 36 tỷ đồng) mà nếu không nhờ đến sự tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua phương thức mua bán nợ của DATC thì Công ty đã phá sản toàn bộ. Sau gần 1 năm cổ phần hóa, đến ngày 8/6/2009, Công ty CP Đường Kon Tum đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần thứ nhất, báo cáo với đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum nói riêng, vùng miền Trung Tây Nguyên nói chung. Kết quả đáng tự hào nhất là chỉ trong gần 1 năm, tính đến tháng 5/2009, sau khi được tái thiết, Công ty CP Đường Kon Tum đã thoát ra được hoàn toàn áp lực tài chính, tạo lợi thế lớn trong hoạt động cũng như tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường mía đường. Cổ phiếu của Công ty đã đạt mức cổ tức gần 10%.  

Trong hành trình đi tới thành công của Công ty CP Đường Kon Tum có rất nhiều điều để nói, trong đó, vấn đề duy trì bền vững vùng nguyên liệu được thống nhất xác định là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sau khi được tái cơ cấu, Đường Kon Tum tập trung phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Công ty, vùng nguyên liệu của Công ty CP Đường Kon Tum được xác định lại cụ thể và phát triển thêm, góp phần vào sự ổn định trong hoạt động và nâng cao năng suất, hiệu quả của nhà máy sản xuất đường. Hiện nay, diện tích mía nguyên liệu của Công ty đang duy trì là 1911,06ha, đồng thời mở rộng thêm trong niên vụ tới số diện tích nguyên liệu vào khoảng 200 - 300ha, phấn đấu 1 năm sau sẽ đầu tư và khai thác được từ 500 - 700ha tại diện tích trồng mía mới này, đồng thời chuyển dịch thời gian sản xuất lùi dần về sau Tết Nguyên đán hàng năm.

Niên vụ 2010 - 2011 này, Công ty CP Đường Kon Tum có sản lượng mía khoảng 115.000 tấn, năm tiếp theo phấn đấu đạt 144.000 tấn, đến 2013 đạt 168.000 tấn. Với sản lượng này, hàng năm, Công ty cung cấp ra thị trường trên 10.000 tấn đường RS với chất lượng tốt và ổn định. Từ thiết bị có công suất thiết kế 1.000 tấn mía cây/ngày, tỷ lệ thu hồi đạt 11-12 mía/đường, qua vận hành và cải tiến, hiện thiết bị của Công ty đã được nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, đạt công suất ép 1.500 tấn mía cây/ngày, tỷ lệ thu hồi đạt dưới 10 mía/đường. Đây là một trong những đơn vị có tỷ lệ thu hồi cao so với các nhà máy đường cùng khu vực. Hiện sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường nội địa.

Với nhiều cố gắng phấn đấu liên tục, chỉ trong 2 năm sau khi được tái cơ cấu, Công ty CP Đường Kon Tum ngày nay đã vươn lên, trở thành một doanh nghiệp lớn đứng chân vững chắc trên địa bàn Tây Nguyên huyền thoại và nhiều gian khó. Theo số liệu được công bố trong bản cáo bạch, năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Công ty đã tăng trưởng mạnh khi tăng tới 196,98%, tổng tài sản tăng 2,58%, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 174,47% so với năm 2008. Đến năm 2010 này, dưới sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản trị, sự năng động linh hoạt trong hoạt động quản lý điều hành, Công ty CP Đường Kon Tum đã tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả SX-KD khiến chi phí sản xuất của Công ty giảm đáng kể: chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010, tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần của Công ty chỉ còn 64,77% (so với 78,02% năm 2009), chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 4,97% (so với 7,44% năm 2009), chi phí hoạt động tài chính đạt 1,4% (so với 1,88% năm 2009). Chính vì thế, chỉ sau 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Công ty đã đạt 22,2 tỷ đồng, vượt 77,68% kế hoạch Đại hội cổ đông thường niên 2010 đã đề ra.

Với chặng đường tái thiết doanh nghiệp theo phương thức mua bán nợ, chỉ trong vòng 2 năm, ngày 31/12/2010, 3 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đường Kon Tum (KTS) chính thức được đưa vào giao dịch trên HNX, chính thức đánh dấu một bước phát triển vượt bậc đến khó tưởng tượng của một doanh nghiệp từng bên bờ vực phá sản. KTS ngày nay có được một Ban điều hành dạn dày kinh nghiệm, một tập thể luôn nỗ lực không ngừng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo và quyết tâm chiến thắng. Đường Kon Tum ngày càng hưng thịnh, phát triển bền vững và lên sàn thành công cũng là một niềm vui vô bờ bến, là phần thưởng xứng đáng cho những người làm công tác mua bán nợ Việt Nam. Ngoài ra, đó còn là niềm vui của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Miền Trung Tây Nguyên, là niềm vui của hàng ngàn người lao động trong Công ty CP Đường Kon Tum - những cổ đông trung thành của Công ty ngay từ những ngày đầu cổ phần hóa, là niềm vui của cả những người làm công tác tài chính - doanh nghiệp đã từng đồng hành cùng những doanh nghiệp khách nợ của DATC.

Thời báo Tài chính số 157 ngày 31/12/2010


Thống kê: 3.870.110
Online: 53