Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Ngày 17/9/2012, Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ xấu DNNN và tái cấu trúc nền kinh tế của Nhật Bản”. Hội thảo này đánh dấu hoạt động hợp tác thứ hai giữa Bộ Tài chính và JICA trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2012 - 2013 vừa được hai bên kí kết trong tháng 7/2012 vừa qua.

              Tại Hội thảo, một số chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày, thuyết trình một số nội dung như “Kinh nghiệm của Nhật Bản về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc kinh tế mở mức an toàn tài chính - vai trò của Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan liên quan” của ông Kotegawa Daisuke, chuyên gia đặc biệt của JICA trong lĩnh vực tái cấu trúc DNNN; “Các nội dung về tái cơ cấu và nhiệm vụ xử lý nợ xấu của DNNN” của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp; “Xử lý nợ xấu thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp qua Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC)” của ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

 Được biết, ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết địn số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Trong cả hai đề án này, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DNNN là một trong các nội dung trọng tâm với vai trò quan trọng của DATC.

Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng giám đốc DATC, DATC đã làm khá tốt trong lĩnh vực hoạt động chính là xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, để DATC thực sự là công cụ hiệu quả của Chính phủ thực hiện 2 đề án nói trên, Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ những hạn chế đang tồn tại. Hiện Công ty đang phải thực hiện đồng thời hai mục tiêu mâu thuẫn nhau nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Một mặt DATC là công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ tồn đọng, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn như DN kinh doanh thông thường. Hơn nữa, ngân hàng vẫn không chịu bán nợ xấu cho DATC, hoặc nếu bán, ngân hàng luôn đòi hỏi bán với mức rất cao. Chính vì vậy, quy mô nợ đã mua và số lượng các DN được Công ty xử lý còn thấp so với yêu cầu của nền kinh tế.

Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe diễn giả Kotegawa Daisuke - chuyên gia đặc biệt của JICA trong lĩnh vực tái cấu trúc DNNN, một trong những sáng lập viên của Cơ quan tái thiết công nghiệp Nhật Bản - Cơ quan trọng yếu trong toàn bộ lịch sử xử lý nợ xấu và tái thiết công nghiệp của Nhật Bản, giới thiệu những kinh nghiệm bổ ích của nước này trong việc giải quyết nợ xấu cũng như hồi sinh nền kinh tế với tham gia và điều tiết của Chính phủ. Ông Kotegawa Daisuke đánh giá, các khoản nợ của DNNN thường rất phức tạp, đan xen, chồng chéo giữa các DN, giữa DN với các ngân hàng. Do đó, tái cơ cấu lại DNNN không thể thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Đồng thời, khi nợ xấu ở mức cao và yêu cầu tái cơ cấu DN là cấp thiết thì quốc gia cần có một tổ chức xử lý nợ hoạt động không vì lợi nhuận mà mục đích chính là để giải cứu nền kinh tế để ổn định và gia tăng phúc lợi toàn xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc các DNNN nói riêng, chủ đề của Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách. Hội thảo là diễn đàn cung cấp những thông tin tham khảo hữu ích, đồng thời là nơi chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà hoạch địch chính sách, quản lý tài chính công của Nhật Bản và Việt Nam nhằm nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn khi thực hiện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu của DNNN ở Việt Nam.

Tin Pháp chế - DATC


Thống kê: 3.910.264
Online: 106