Trong thời gian ngày từ 11 - 14/9, Đoàn công tác DATC do Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường dẫn đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh và Hội thảo quốc tế IPAF tại Hàng Châu, Trung Quốc. Tham dự tại Hội nghị có chuyên gia từ ADB, BIS, AFDI, AMRO, WB, các viện nghiên cứu, các quốc gia thành viên của ADB (DMCs) và các thành viên Diễn đàn IPAF,…
Từ năm 2013 đến nay, IPAF đã tổ chức 7 Hội nghị quốc tế thường niên và 8 hội thảo đào tạo dành cho các thành viên. Trong đó, DATC trực tiếp làm đơn vị chủ trì tổ chức Hội nghị thường niên IPAF lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính Châu Á và giải pháp thực hiện” vào năm 2018 và Hội thảo đào tạo lần thứ 6 với chủ đề “Khuôn khổ hoạt động và pháp lý trong hoạt động mua bán, xử lý nợ nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực” vào năm 2019.
Sự trợ giúp to lớn từ phía ADB là yếu tố quan trọng cho thành công của các hoạt động IPAF hiện nay. Các hoạt động của IPAF đã hỗ trợ trong việc gắn kết các quốc gia thành viên để cập nhật, trao đổi tình hình xử lý nợ tại các quốc gia trong khu vực đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu trong cùng lĩnh vực. DATC với tư cách là thành viên sáng lập đã tham gia tích cực các hoạt động của IPAF và nhận được nhiều lợi ích, tăng cường năng lực hoạt động, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ/tài sản xấu tại Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh và Hội thảo quốc tế IPAF năm 2024 với chủ đề “Kỷ nguyên mới, Mô hình mới, Sứ mệnh mới: Hợp tác hướng tới sự ổn định và an toàn tài chính của châu Á” diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động bởi tác động từ hậu quả xung đột chính trị không chỉ Nga-Ukraina mà còn nhiều quốc gia trên thế giới cùng với tình trạng lạm phát gia tăng. Đây là lần thứ 8 Hội nghị quốc tế IPAF được tổ chức do ADB, Công ty Quản lý tài sản tỉnh Chiết Giang (ZSAMC) chủ trì và bảo trợ.
Hội nghị năm nay tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình ổn định tài chính Châu Á trong bối cảnh nhiều bất ổn gia tăng và bước vào thời kì chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đề cập trực tiếp tới các nghiên cứu về khuôn khổ thể chế cho việc giải quyết nợ xấu ở Châu Á ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai phát triển của các AMC và các Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong khu vực. Tại Hội nghị, các quan chức chính phủ cùng với các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm và cung cấp những góc nhìn sâu sắc về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới.
Bên lề hội nghị, Đoàn công tác đã có các buổi làm việc song phương với đại diện KAMCO (Hàn Quốc), ZSAMC (Trung Quốc), ADB... để trao đổi, tham khảo về phương thức hoạt động kinh doanh, đặc thù hoạt động, giải pháp xử lý nợ, vấn đề tài trợ vốn hoạt động và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước,… Những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thu được qua sự kiện IPAF và các buổi tiếp xúc song phương là bài học kinh nghiệm quý giá để DATC tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung hoàn thiện quy định pháp lý cũng như xây dựng quy trình hoạt động nội bộ trong thời gian tới.