Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Đó là nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/10/2011, tại Hà Nội.

           Với mục tiêu chủ yếu nhằm hỗ trợ, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, đồng thời góp phần lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thông qua việc mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, năm 2003, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) được thành lập. Sau hơn 8 năm hoạt động, DATC đã có đóng góp thiết thực vào quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước theo mục tiêu chính được đặt ra khi thành lập, đồng thời, các hoạt động của DATC còn có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị, xã hội khi DATC đã phục hồi được nhiều doanh nghiệp đang bên bờ phá sản, giữ được việc làm cho người lao động, tiếp tục đóng góp cho nhiều địa phương còn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, trong khuôn khổ pháp lý cho mô hình xử lý nợ trong nền kinh tế hiện còn nhiều bất cập, cần phải có đánh giá rà soát để phát triển thị trường mua bán xử lý nợ; khuyến khích các tổ chức tham gia, phát triển các công cụ để đa dạng hóa việc mua bán xử lý nợ; tạo giá trị gia tăng trong việc mua bán xử lý nợ và đặc biệt rà soát lại vai trò, vị trí của DATC trong bối cảnh hiện nay; gắn với nó là các cơ chế, chính sách về thị trường mua bán xử lý nợ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với DATC.

Do đó,  đầu năm 2011, các chuyên gia của Nhóm Tư vấn chính sách đã phối hợp với DATC triển khai các nghiên cứu liên quan đến DATC, cụ thể như: Mô hình tổ chức, các hoạt động mua bán nợ của DATC; vai trò và những đóng góp của DATC đối với doanh nghiệp, những tồn tại và vướng mắc liên quan đến hoạt động của DATC tại doanh nghiệp; tác động của các cơ chế, chính sách đặc biệt là chính sách tài chính đối với hoạt động của DATC nhằm đề xuất một số định hướng hoạt động của DATC thời gian tới.

Cho đến nay, các cuộc điều tra khảo sát về cơ bản đã hoàn thành, các chuyên gia cũng đã thực hiện báo cáo sơ bộ đánh giá về mô hình hoạt động của DATC và đưa ra tại Hội thảo trên nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý và các doanh nghiệp về mô hình tổ chức, hoạt động của DATC cũng như các cơ chế chính sách tài chính liên quan đến mô hình tổ chức và hoạt động của DATC thời gian tới.

Báo cáo nêu rõ, hoạt động kinh doanh của DATC đạt được kết quả khả quan với chỉ tiêu doanh thu tăng tới gần 28 lần, lợi nhuận tăng gần 12 lần, nộp ngân sách tăng gần 4 lần của năm 2010 so với năm 2004. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã phân tích được cụ thể những hạn chế của cơ chế chính sách ảnh hưởng đến hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp và đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DATC.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp đã được nêu lên với các đề xuất cụ thể như: Hoạt động mua bán, xử lý nợ cần gắn với chương trình tái cấu trúc nền kinh tế; cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho mô hình xử lý nợ trong nền kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển thị trường mua bán xử lý nợ; tăng cường vai trò của DATC, mở rộng phạm vi hoạt động mua bán xử lý nợ đúng với tầm vóc của công ty xử lý nợ quốc gia, trao thẩm quyền cụ thể để tham gia ngăn ngừa và phòng chống khủng hoảng bên cạnh các thầm quyền mạnh và đầy đủ liên quan đến mua bán xử lý nợ, đặc biệt xử lý nợ thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp; không nên coi những khoản nợ là tài sản của Nhà nước mà nên coi là hàng hoá, từ đó mới có thể phát triển được hoạt động này...

Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính


Thống kê: 3.864.742
Online: 125