Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Những vướng mắc pháp lý hạn chế tính linh hoạt trong vận dụng phương thức mua bán nợ, khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp khách nợ sau tái cơ cấu nay được tháo gỡ tối đa tại Thông tư số 135/TT-BTC ngày 31/8/2015 của Bộ Tài chính về Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch đề ra hàng năm,  DATC còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất nhưng đến nay chưa khắc phục được đó là hệ thống pháp lý trong hoạt động mua bán nợ, tài sản, tuy được Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hoạt động trong công tác mua, bán, xử lý nợ của đơn vị. Trong đó, tập trung nhiều vướng mắc về: Các quy định trong giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo nợ, quyền áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ tối đa việc thu hồi tiền, tài sản; hạn chế khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh sau tái cơ cấu…

Cụ thể như hạn chế về quy định sử dụng vốn đầu tư của DATC, Khoản 1.a Điều 8 của Thông tư 79/2011/TT-BTC yêu cầu DATC phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản đối với khách nợ là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và lành mạnh hóa tình hình tài chính trong quá trình kinh doanh. Quy định này đang làm hạn chế khả năng của DATC trong tái cơ cấu doanh nghiệp đã mua nợ và trong một số hoạt động được giao hiện nay như tham gia các phương án xử lý nợ có tiềm năng khác. Ví dụ: Mua và xử lý nợ xấu của các đối tượng DNNN đã cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối; mua và xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp khác...  

Bên cạnh đó trong hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ, trên thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp khách nợ là công ty cổ phần khi được tái cơ cấu có số lỗ lũy kế vượt quá số vốn chủ sở hữu, nên việc chỉ được xóa phần âm vốn chủ sở hữu thực sự chưa làm xử lý triệt để vấn đề tồn tại tài chính của doanh nghiệp. Trên sổ sách của doanh nghiệp vẫn còn tồn tại khoản lỗ tương ứng với số vốn chủ sở hữu, nên doanh nghiệp vừa chịu gánh nặng tài chính (nợ), dẫn đến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, khả năng phục hồi tình hình sản xuất kinh doanh gần như không có, đặc biệt, điều này còn ảnh hưởng đến khả năng thoái vốn ở những doanh nghiệp có cổ phần chi phối của DATC. 

Một vấn đề khác, theo quy định tại Thông tư 79, DATC được xóa nợ lãi sau khi khách nợ đã hoàn trả đủ nợ gốc sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày mua nợ, tuy nhiên, trên thực tế hầu như không có doanh nghiệp khách nợ nào có khả năng tài chính đủ tốt để thực hiện thanh toán đủ nợ gốc trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày DATC mua nợ (các đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp có tình hình tài chính khó khăn, cần sự tham gia tái cơ cấu của DATC). Trong trường hợp này, cần bổ sung thêm một số quy định mới nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DATC nhanh thu hồi nợ gốc và lãi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 79, mức lãi suất của khoản nợ được điều chỉnh phù hợp với khả năng trả nợ và đối tượng khách nợ (lãi suất không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; đối với các đối tượng khác, mức lãi suất điều chỉnh không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ cộng 1%/năm). Tuy nhiên trên thực tế, mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ thường cao hơn mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng do sự thay đổi mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước chậm, không bắt kịp với sự thay đổi linh hoạt về lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (trong giai đoạn lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng giảm). Theo đó, các doanh nghiệp khách nợ hầu như đều phải chịu mức lãi suất vay nợ đối với DATC cao hơn so với lãi suất vay tại các Ngân hàng thương mại, trong hoàn cảnh tình hình tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu đang khó khăn việc áp dụng mức lãi suất cao làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn, giảm khả năng thu hồi nợ của DATC tại doanh nghiệp tái cơ cấu.

Nhiều “nút thắt” được gỡ

Theo đó, những vướng mắc pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán nợ nêu trên của DATC nay sẽ được tháo gỡ tối đa tại Thông tư số 135/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2015 thay thế cho Thông tư 79/2011/TT-BTC. Cụ thể, đối với hạn chế về quy định sử dụng vốn đầu tư của đơn vị, Thông tư sửa đổi cho phép DATC được mua các khoản nợ, tài sản mà chủ nợ, chủ tài sản có nhu cầu bán (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ, nợ nước ngoài, hối phiếu, trái phiếu, bao gồm cả hối phiếu, trái phiếu do chính DATC phát hành).

Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khách nợ do DATC tái cơ cấu, nay Thông tư bổ sung quy định: Riêng đối với doanh nghiệp khách nợ do DATC tái cơ cấu và sở hữu trên 50% vốn điều lệ, nếu doanh nghiệp khách nợ đã thực hiện thanh toán cho DATC đủ bù đắp hết giá vốn mua khoản nợ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cam kết, thì được DATC xem xét tiếp tục giảm trừ nghĩa vụ trả nợ để bù đắp lỗ lũy kế nếu còn nguồn chênh lệch để xử lý.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định: DATC được xóa nợ lãi khi khách nợ hoàn trả đủ nợ gốc ngay trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cam kết trả nợ, và đảm bảo phương án mua nợ có hiệu quả. Trường hợp doanh nghiệp khách nợ kinh doanh thua lỗ và đã hoàn trả nợ theo đúng cam kết trong thời hạn 6 tháng, thì DATC được xóa thêm một phần nợ gốc cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế của DATC theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức xóa nợ gốc không vượt quá số lỗ lũy kế của doanh nghiệp và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách của khoản nợ và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm xóa nợ.

DATC được phép điều chỉnh mức lãi suất của khoản nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ và điều kiện thị trường, nhưng không thấp hơn mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) tại cùng thời điểm xem xét điều chỉnh lãi suất. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng của mỗi ngân hàng là lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng do ngân hàng đó công bố trên website của mình.

Thông tư cũng bổ sung thêm một số nguyên tắc khi thực hiện xử lý nợ đã mua, tiếp nhận, nhằm đảm bảo hiệu quả, minh bạch và dễ kiểm soát cho đơn vị như: DATC thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để thực hiện nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ khách nợ sang bên thứ ba trên nguyên tắc đồng thuận giữa ba bên và phải đảm bảo tạo thuận lợi hơn cho DATC trong việc thu hồi khoản nợ, trong đó giá trị khoản nợ được chuyển giao chưa xác định là doanh thu của DATC. Thỏa thuận với khách nợ để thu nợ bằng tài sản. Giá trị tài sản thu hồi nợ phải được định giá thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và được theo dõi là tài sản chờ xử lý. Việc thực hiện hạch toán tài sản này được thực hiện theo quy định tại Quy chế tài chính của DATC và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp


Thống kê: 3.858.995
Online: 106