Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) không hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nên việc hợp nhất báo cáo tài chính sẽ không phản ánh đúng quy mô, kết quả kinh doanh của công ty.

Góp ý kiến cho dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý tài chính của DATC, theo Vụ Chế độ kế toán – Bộ Tài chính, việc quy định Công ty hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán để theo dõi, xử lý đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền là không phù hợp với bản chất tài chính. Trả lời vấn đề, đơn vị chủ trì soạn thảo cho biết, theo quy chế tài chính trước đây của DATC (ban hành kèm theo Quyết định 1683) thì các khoản nợ và tài sản tiếp nhận được hạch toán trong Bảng cân đối kế toán, tuy nhiên tại Quyết định số 2857/QĐ-BTC ngày 9/11/2012 (Quy chế tài chính 2857) lãnh đạo Bộ Tài chính đã đồng ý điều chỉnh lại là hạch toán ngoại bảng vì: Các tài sản và nợ DATC tiếp nhận là mang tính chất tận thu, không phải tài sản của DATC; Việc theo dõi trong bảng với giá trị lớn không phản ánh đúng quy mô vốn và tài sản của DATC cũng như khi tính toán các chỉ tiêu tài chính. Do đó dự thảo sửa đổi và tách nội dung này thành khoản 3 Điều 2 như sau: “Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty hạch toán trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán để theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.”

Vụ Chế độ kế toán góp ý thêm, đối với trường hợp công ty có vốn góp chi phối là công ty có quyền kiểm soát, có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động. Theo chuẩn mực kế toán số 25, công ty con là doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của công ty mẹ. Như vậy DATC có vốn góp chi phối thì các công ty bị chi phối là công ty con. DATC là công ty mẹ thì phải lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất. Chỉ những công ty nằm trong danh mục thoái vốn tại một thời điểm xác định thì mới có thể coi không phải là công ty con. Đề nghị bỏ quy định này vì trái với quy định của chuẩn mực kế toán và Thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.

Về ý kiến trên, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, hoạt động tái cơ cấu, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần là hoạt động thường xuyên của DATC. Theo Điều lệ công ty thì trong thời hạn 05 năm kể từ thời điểm DATC chính thức trở thành cổ đông của doanh nghiệp tái cơ cấu (danh mục các doanh nghiệp có vốn góp của DATC thường xuyên có sự biến động), DATC phải thực hiện thoái vốn theo quy định. Như vậy, về cơ bản đã xác định được thời điểm DATC phải thực hiện thoái vốn. Bên cạnh đó, DATC không hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nên việc hợp nhất báo cáo tài chính sẽ không phản ánh đúng quy mô, kết quả kinh doanh của DATC. Trên cơ sở đó, sẽ giữ nguyên như dự thảo là DATC không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của các công ty này.

Về vấn đề trích lập dự phòng, theo Vụ Chế độ kế toán công ty có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản và nợ tiếp nhận theo chỉ định phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với tài sản và lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Theo cơ quan soạn thảo, nợ và tài sản tiếp nhận không phải là tài sản của DATC (theo dõi tận thu cho Nhà nước) và hiện đang hạch toán theo dõi ngoài bảng nên việc trích lập dự phòng đối với nợ và tài sản tiếp nhận là không hợp lý, không phản ánh đúng kết quả kinh doanh của DATC. Do đó, nội dung này được sửa đổi, bổ sung thêm là “Công ty không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với các tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc theo chỉ định của cấp có thẩm quyền đang theo dõi trên tài khoản ngoại bảng cân đối kế toán”.

Liên quan đến nội dung đầu tư vốn ra ngoài công ty, Vụ Tài chính Ngân hàng – Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định phải báo cáo Bộ Tài chính về phương án cơ cấu lại và kế hoạch chuyển nhượng vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 vì Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Theo cơ quan soạn thảo, tại điểm c khoản 1 Điều 8 dự thảo Thông tư đã quy định hội đồng thành viên phải có phương án cơ cấu lại và có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại các lĩnh vực quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 8 (các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, Quỹ đầu tư...). Do đó, DATC chủ động thực hiện chuyển nhượng theo quy định này và theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, DATC báo cáo Bộ Tài chính. Về chế độ báo cáo đã được quy định tại Điều 28 dự thảo thông tư. Theo đó, DATC thực hiện báo cáo như các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác.

Bên cạnh đó Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính có ý kiến bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định theo Điều 24 Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69). Trả lời đề nghị, Cục Tài chính doanh nghiệp đã thống nhất và bổ sung như sau: Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định: a) Hội đồng thành viên quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công. Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng giám đốc Công ty quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên; b) Trường hợp dự án đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công, Hội đồng thành viên quyết định sau khi đề nghị và được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.

Đối với nội dung quản lý tài sản mua và tiếp nhận, theo Vụ Chế độ kế toán, tại Khoản 3.2 Điều 12 đối với tài sản tiếp nhận, Điểm a, bán tài sản: Việc ghi nhận doanh thu đối với số tiền thu được từ việc bán tài sản tiếp nhận là chưa phù hợp với quy định tại Điều 9 Thông tư 57/2015/TT-BTC vì không phải toàn bộ số thu DATC được hưởng và đề nghị viết lại điểm này. Đơn vị soạn thảo đã tiếp thu và sửa lại như sau: “Toàn bộ số tiền thu từ thu hồi, xử lý tài sản tiếp nhận (không bao gồm thuế GTGT theo quy định) được hạch toán vào tài khoản Tiền thu từ hoạt động xử lý tài sản tiếp nhận, thuộc phần Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán và xử lý như sau: Trích 30% số tiền thu được từ việc thu hồi, xử lý tài sản tiếp nhận nêu trên vào doanh thu từ hoạt động xử lý nợ và tài sản tiếp nhận; Trích tối đa 10% số tiền thu được từ việc thu hồi, xử lý tài sản tiếp nhận nêu trên để chuyển trả doanh nghiệp nhằm bù đắp các chi phí quản lý, giữ hộ tài sản (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 57/2015/TT-BTC; Số tiền còn lại DATC thực hiện nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4, Điều 9 Thông tư số 57/2015/TT-BTC.”

Mặt khác, theo Vụ pháp chế trong xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ, đề nghị bổ sung nội dung “có kế hoạch thoái vốn để thu hồi vốn đầu tư sau khi chuyển nợ thành vốn góp trong thời gian tối đa không quá 5 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại doanh nghiệp tái cơ cấu” cho phù hợp với Điều lệ. Cục Tài chính doanh nghiệp thống nhất và đã bổ sung trong dự thảo Thông tư Quy chế quản lý tài chính của DATC.

Tạp Chí Tài chính Doanh nghiệp


Thống kê: 3.775.937
Online: 48