Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao và khẳng định vai trò, vị trí của công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong hoạt động xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức sẽ rất cần sự tháo gỡ sớm một số cơ chế chính sách còn tồn tại cho đơn vị.

Trong năm 2015 vừa qua, đối với công tác tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện quy trình quy chế kiểm soát nội bộ của công ty luôn được chú trọng quan tâm. Đơn vị đã tập trung xây dựng dự thảo trình Bộ ban hành Thông tư số 135/2015/TT-BTC ngày 31/8/2015 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC, Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 về hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng. DATC cũng đã hoàn thành dự thảo trình Bộ Nghị định về chức năng nhiệm vụ nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC; Dự thảo Quy chế quản lý tài chính DATC và một số cơ chế để DATC tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu SBIC. Tiếp tục hoàn thiện để trình Bộ chiến lược phát triển Công ty tầm nhìn 2030; Đề án nâng cấp Công ty thành Tổng công ty.

Bên cạnh đó, công tác quản trị nội bộ công ty cũng được tăng cường trên cơ sở tập trung bổ sung, hoàn thiện trên 40 quy trình, quy chế quản lý nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý, hạn chế rủi ro, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ nhân viên và cũng là nội dung chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình hoạt động của công ty với mục tiêu hiệu quả, minh bạch, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thông qua hoạt động này, công ty đã vận dụng hợp lý đường lối, chính sách của Nhà nước, tìm hiểu đối tác để chủ động đề ra những giải pháp xử lý nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện phương án mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tuy nhiên để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao sẽ rất cần sự tháo gỡ sớm một số cơ chế chính sách còn tồn tại cho DATC. Theo ông Nguyễn Huy Lập, Trưởng ban Pháp chế công ty, công ty cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy trình, quy chế quản lý nội bộ mặc dù trong năm qua DATC đã hoàn thiện hơn 40 quy trình, quy chế nhưng chưa dứt điểm. Việc hoàn thiện hệ thống này rất quan trọng, nó giúp tăng cường kiểm soát rủi ro cũng như sự đoàn kết, thống nhất trong các đơn vị trực thuộc công ty, phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục ủng hộ DATC trong việc nâng tầm khuôn khổ pháp lý, sớm xem xét trình Chính phủ quyết định ban hành Nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, chiến lược phát triển công ty trong thời gian tới cùng một số cơ chế chính sách quan trọng khác.

Ông Phạm Quang Hiền, Trưởng Ban Tài chính kế toán công ty góp ý, kiến nghị Bộ Tài chính đối với thể thức ban hành quy chế tài chính của công ty, trước đây ban hành theo Quyết định nay xem xét ban hành theo Thông tư nhằm đảm bảo tính tham mưu, hiệu lực thi hành trong thực tế. Tiếp đó, về một số nội dung chính như trình Bộ Tài chính nêu rõ một số nguyên tắc, đối tượng khi thực hiện xử lý nợ nhằm đảm bảo quản lý nguồn thu cũng như cơ chế giám sát đánh giá hiệu quả trong quá trình xử lý nợ của công ty. Đặc biệt là cơ chế xử lý nguồn thu của DATC khi thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cũng như thu hồi nợ bằng cấn trừ tài sản, công ty đề nghị không hạch toán doanh thu về hai khoản này.

Trong công tác tiếp nhận và xử lý nợ, đề nghị Bộ Tài chính nêu rõ cơ chế xử lý nợ và tài sản tiếp nhận trong trường hợp cho thuê, khai thác góp vốn liên doanh liên kết và trường hợp DATC mua lại những tài sản mà DATC đã tiếp nhận; bổ sung cơ chế quản lý, xử lý nguồn thu trong trường hợp DATC tiếp nhận vốn góp từ các doanh nghiệp sắp xếp và chuyển đổi. Vấn đề vốn góp và trách nhiệm bàn giao về trước năm 2015 có rất ít nhưng trong năm 2015 trở lại đây đã phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp bàn giao về rất lớn, có trường hợp lên tới vài trăm tỷ đồng.

Đối với cơ chế trích lập dự phòng, hiện tại cơ chế tài chính của công ty theo cơ chế như các doanh nghiệp bình thường, nhưng DATC hoạt động trong cơ chế đặc thù mua bán nợ xấu, rủi ro lớn, đề nghị Bộ Tài chính cho phép công ty được trích lập dự phòng theo đặc thù riêng phù hợp với đặc điểm của DATC, việc trích lập dự phòng nên giao cho hội đồng thành viên công ty xem xét, đánh giá. Ngoài ra, về cơ chế tiền lương, kiến nghị cho phép DATC có một cơ chế tiền lương riêng phù hợp với đặc thù công ty. Do hoạt động của công ty không mang tính chất lũy tiến như các doanh nghiệp khác mà chịu ảnh hưởng của nền kinh tế đất nước. Ví như năm 2015, DATC xử lý nợ và đạt doanh thu cao nhưng năm 2016 giảm, năm 2017 có thể lên, năm 2018 xuống nhưng cơ chế tiền lương hiện thực hiện theo cơ chế lợi nhuận đề ra dẫn tới thu nhập của người lao động năm cao năm thấp, không đảm bảo sự ổn định thu nhập làm cho người lao động khó yên tâm công tác. Mặt khác, về chế độ kế toán, đề nghị xem xét cho DATC được thay đổi chế độ kế toán phù hợp với cơ chế tài chính mới và thông lệ, chế độ kế toán doanh nghiệp cũng như đặc thù của đơn vị.

Ông Lưu Văn Kính, Trưởng Ban Mua bán nợ 1 cho hay, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng cho DATC khiến vị thế của công ty được thay đổi và nâng cao, khi đàm phán mua nợ ngân hàng, ngân hàng không còn hỏi DATC còn đủ tiền mua nợ không, đối với các khoản nợ 1.000, 2.000 tỷ đồng DATC luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, hiện nay việc mua nợ sau khi Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về cơ chế mua bán nợ, các tổ chức mua bán nợ rất nhiều cả tư nhân, cá nhân đều mua được cho nên các ngân hàng bán nợ đều chào giá, đấu giá không còn ưu tiên cho DATC, tạo ra một thị trường lớn nhưng cũng là thách thức cho công ty. Một vướng mắc khác là cơ chế xử lý các khoản nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại các doanh nghiệp DATC được giao nhiệm vụ tái cơ cấu nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

 Đối với cơ chế mua bán nợ của DATC, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho đơn vị sớm có nghị định xứng tầm tạo cơ chế mạnh cho công ty. Một đề nghị khác là cần tính đến phương án cho DATC được tăng nguồn lực về tài chính, hiện nay ngân hàng có những khoản nợ chào bán tới 4.000, 5.000 tỷ đồng như vậy mua một khoản nợ đã gần hết vốn điều lệ, đây là thực tế đã có. Về cơ chế chính sách, riêng đối với ngành tái cơ cấu doanh nghiệp khi đang ốm yếu, DATC vừa tái cơ cấu thành công nhưng về cơ chế thuế hiện nay lại theo chính sách cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản đối với doanh nghiệp tái cơ cấu nên rất khó cho hoạt động, phương án tái cơ cấu của công ty, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, ủng hộ DATC.

Nguồn: Tạp Chí Tài Chính Doanh Nghiệp


Thống kê: 3.773.064
Online: 80