Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 79/2011/TT-BTC gồm 32 điều quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (tên giao dịch: Công ty Mua bán nợ Việt Nam).

          Công ty Mua bán nợ Việt Nam được chuyển đổi theo Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở tổ chức lại Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan.

Thông tư cũng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Công ty. Theo đó, điểm mới là Công ty Mua bán nợ Việt Nam có trách nhiệm sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản đối với khách nợ là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và lành mạnh hóa tình hình tài chính trong quá trình kinh doanh.

Nguyên tắc trong hoạt động mua nợ và tài sản của Công ty phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế, có phương án thu hồi vốn khả thi, bảo toàn và phát triển vốn. Các hình thức xử lý nợ gồm:

a) Tổ chức đòi nợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khác cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

b) Bán các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, chào giá cạnh tranh hoặc tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật;

c) Bảo quản, sửa chữa, nâng cấp những tài sản đã mua, tiếp nhận để bán, cho thuê, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, liên doanh khai thác tài sản.

Về quyền hạn về tổ chức kinh doanh của Công ty Mua bán nợ Việt Nam, tại Điều 10 Thông tư nêu rõ: Chủ động kinh doanh các lĩnh vực phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh và nhiệm vụ Nhà nước giao; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng và nhiệm vụ từng thời kỳ theo chiến lược phát triển kinh doanh được chủ sở hữu phê duyệt phù hợp với quy định pháp luật; sử dụng vốn và các quỹ hợp pháp; áp dụng các hình thức huy động vốn để mở rộng kinh doanh. Bên cạnh đó, văn bản còn nhấn mạnh nguyên tắc sử dụng vốn, phân phối lợi nhuận, khai thác thông tin dữ liệu có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao...

Công ty có nghĩa vụ trong hoạt động như: nhận và sử dụng vốn, tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác được Nhà nước giao; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp cho ngân sách, thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động; thực hiện chế độ báo cáo thống kê, kế toán tài chính; chịu sự giám sát của chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu; công khai báo cáo tài chính hàng năm.

Công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ với quyền hạn và nhiệm vụ của cấu trúc bộ máy công ty được cụ thể hóa tại Điều 17, 18, 19, 20, 21 và 22. Cụ thể, Điều 17 của Thông tư đã quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên như: tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển; quyết định việc xây dựng và sử dụng thương hiệu, các phương án mua nợ có giá trị, các giải pháp phát triển thị trường; cử người đại diện vốn góp...Đặc biệt, Hội đồng thành viên có quyền quyết định các dự án đầu tư, xây dựng có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở xuống nhưng không vượt quá mức cao nhất của dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư; thông qua hợp đồng vay và các hợp đồng gửi tiền tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 33/2010/TT-BTC ngày 11/03/2010 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 6/2011


Thống kê: 3.836.660
Online: 40