Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Trong các ngày từ 20 - 22/9, Đoàn công tác DATC do Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường dẫn đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh và Hội thảo quốc tế IPAF tại Bali - Indonesia. Tham dự tại Hội nghị có chuyên gia từ ADB, AMRO, BIS, WB, các viện nghiên cứu, các quốc gia thành viên của ADB (DMCs) và các thành viên Diễn đàn IPAF,…

Diễn đàn IPAF được thành lập năm 2013 tại Seoul - Hàn Quốc với 7 thành viên sáng lập đến từ 5 quốc gia châu Á; trong đó, DATC là đại diện của Việt Nam. Diễn đàn ra đời với mục tiêu tăng cường năng lực và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các thành viên IPAF, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia. Thông qua hoạt động hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm chuyên môn giữa các Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản công (PAMC) nhằm đóng góp cho sự ổn định của kinh tế từng quốc gia và khu vực Châu Á.

Hội nghị thượng đỉnh và Hội thảo quốc tế IPAF năm 2023 với chủ đề “Ổn định tài chính khu vực thúc đẩy phục hồi kinh tế” diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động bởi tác động từ hậu quả của đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị Nga-Ukraina cùng với tình trạng lạm phát gia tăng. Đây là lần thứ 7 Hội nghị quốc tế IPAF được tổ chức do ADB, Bộ Quản lý Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia và Công ty Quản lý tài sản Perusahaan Pengelola Aset (PPA) chủ trì và bảo trợ.

Hội nghị năm nay tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình ổn định tài chính toàn cầu, rủi ro từ những biến động trong tương lai, những hệ lụy từ việc nợ xấu tăng cao đối với hệ thống tài chính và các biện pháp duy trì sự ổn định, bao gồm các giải pháp về công nghệ thông tin. Tại Hội nghị, các quan chức chính phủ cùng với các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm và cung cấp những góc nhìn sâu sắc về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Sự kiện IPAF lần này cũng là dịp để ADB và các thành viên IPAF kỷ niệm 10 năm thành lập và nhìn lại hành trình hoạt động đã qua. IPAF hiện có 17 thành viên, gồm 11 thành viên chính thức và 6 thành viên liên kết. Trong đó, thành viên chính thức là các AMC công do Nhà nước sở hữu và được sử dụng như là công cụ kinh tế để xử lý nợ/tài sản xấu. Thành viên liên kết là những tổ chức liên quan và không nhất thiết phải hoạt động dưới hình thức AMC. Đến nay, IPAF đã tổ chức được 7 kỳ Hội nghị và hàng loạt các khóa đào tạo ngắn hạn cũng như các hoạt động tham vấn chính sách tới một số quốc gia trong khu vực để tăng cường tầm ảnh hưởng cũng như quy mô hoạt động của IPAF.

Bên lề hội nghị, Đoàn công tác đã có các buổi làm việc song phương với đại diện KAMCO (Hàn Quốc), ZSAMC (Trung Quốc), PPA (Indonesia) để trao đổi, tham khảo về phương thức hoạt động kinh doanh, đặc thù hoạt động, giải pháp xử lý nợ, vấn đề tài trợ vốn hoạt động và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước,… Những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thu được qua sự kiện IPAF và các buổi tiếp xúc song phương là bài học kinh nghiệm quý giá để DATC tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung hoàn thiện quy định pháp lý cũng như xây dựng quy trình hoạt động nội bộ trong thời gian tới.

Một số hình ảnh chương trình công tác:

Đoàn công tác DATC làm việc song phương với KAMCO (Hàn Quốc)

Đoàn công tác DATC làm việc song phương với ZSAMC (Trung Quốc)

Đoàn công tác DATC làm việc song phương với PPA (Indonesia)

Phòng Truyền thông DATC


Thống kê: 4.208.595
Online: 50