Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 62/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 ban hành quy chế tài chính của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Quy chế này quy định cơ chế quản lý tài chính đối với DATC do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.

Theo đó, nội dung Thông tư về cơ bản kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư số 134/2016/TT-BTC, trong đó điều chỉnh một số quy định để phù hợp với quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật hiện hành (Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020; Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước).

Về nguyên tắc sử dụng vốn, công ty được quyền chủ động sử dụng vốn của mình để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản.

Sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài công ty, mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế này. Tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường. Sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty. Sử dụng nguồn vốn hoạt động của mình để sửa chữa, nâng cấp tài sản nhằm mục đích gia tăng giá trị và tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi vốn. Hoạt động đầu tư cải tạo, nâng cấp tài sản thuộc về đầu tư xây dựng cơ bản phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

Về trích lập dự phòng, đối với trích lập các khoản phải thu khó đòi của các khoản nợ phát sinh từ hoạt động mua, bán, xử lý nợ, tái cơ cấu DN, căn cứ quy định tại khoản 3  Điều 28 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP Thông tư quy định mức trích lập dự phòng không vượt quá giá trị còn lại của giá vốn mua nợ và thực hiện theo quy định tại Quy chế trích lập dự phòng do Hội đồng thành viên DATC ban hành, đảm bảo nguyên tắc mức trích lập lần đầu tối thiểu là 15% giá trị quá hạn của giá vốn mua nợ còn lại đối với khoản nợ mua quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm, ngoài ra trích đủ 100% giá trị quá hạn của giá vốn mua nợ còn lại đối với khoản nợ mua quá hạn từ 5 năm trở lên.

Việc xác định thời gian quá hạn và giá trị quá hạn của khoản nợ mua để trích lập dự phòng được tính từ thời điểm chuyển quyền chủ nợ cho DATC. Trường hợp có cam kết trả nợ thì căn cứ theo cam kết gần nhất giữa bên nợ và DATC phù hợp với phương án thu hồi nợ và/hoặc khả năng trả nợ của bên nợ.

Đối với các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng DATC xác định được bên nợ đã phá sản, mở thủ tục phá sản, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh; đang bị truy tố, giam giữ, xét xử, thi hành án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo hay đã chết; khoản nợ đã được DN yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hay khoản nợ đã được DN khởi kiện đòi nợ nhưng bị đình chỉ giải quyết vụ án thì DATC dự kiến mức tổn thấy không thu hồi được để trích lập dự phòng. Mức trích lập dự phòng tối đa bằng giá trị còn lại của giá vốn mua nợ đang theo dõi trên sổ kế toán.

Về chuyển nhượng vốn đầu tư, Thông tư quy định việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài DN trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và bổ sung quy định hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ, tài sản thành vốn góp và chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu. Trong đó, DATC thực hiện chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá công khai, nếu đấu giá không thành công hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần thì DATC thực hiện theo hình thức chào bán cạnh tranh, trường hợp không thành công thì DATC thực hiện theo hình thức thỏa thuận.

Bên cạnh đó, DATC được chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp kèm nợ phải thu tại các doanh nghiệp đồng thời có vốn góp và nợ phải thu của DATC.

Về Quản lý tài sản mua và tài sản tiếp nhận, đối với trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản, cộng một phần chi phí quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với từng phương án chỉ định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2021 và áp dụng từ năm tài chính 2021. Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2021/TT-BTC ngày 4/6/2021 về điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam.

CÔNG TY TNHH MUA BÁN NỢ VIỆT NAM


Thống kê: 3.774.627
Online: 57