Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Tham nhũng và chống tham nhũng là hiện tượng xã hội đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ thứ XX, tham nhũng nổi lên như căn bệnh ác tính bùng phát, đe doạ cả nền kinh tế, văn hóa lẫn đạo đức của loài người, có sức tàn phá và ngăn cản rất lớn đối với sự phát triển của mọi quốc gia.

Khoảng 30 năm trở lại đây, nhiều quốc gia, nhiều khu vực đã hao tâm, tổn trí rất nhiều vào việc tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, đưa ra những tuyên bố cứng rắn và mở những chiến dịch rộng rãi để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, song hiệu quả còn xa với yêu cầu của sự phát triển và đòi hỏi của nhân loại tiến bộ.

                          

Tham nhũng và thực trạng tham nhũng hiện nay

Về khái niệm tham nhũng.  Trong khoản 2, Điều 1 của Luật Phòng, chống tham nhũng đã ghi: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Ở khoản 3, Điều 1, của bộ luật trên đã giải thích rõ người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: “a) Cán bộ công chức, viên chức; b) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Như vậy, theo quan điểm này, phải chăng người dân thường không có chức vụ và những quyền hạn như quy định trong Luật, mà họ chỉ có những quyền hạn của người công dân, không phải là đối tượng có thể tham nhũng và do vậy, họ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật này? Tác giả cho rằng, người dân thường không có chức, quyền, như Luật đã nêu, nhưng họ vẫn có thể lợi dụng quyền công dân của mình để tham nhũng. Ví dụ, họ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của mình để gây rối, gây nhiễu, làm khó trong quan hệ xã hội, trong quản lý, điều hành đất nước; hoặc lợi dụng quyền sử dụng đất đai, nhà cửa của mình để ép Nhà nước, chủ đầu tư phải đền bù giá cao làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng không tốt đến nhiều công trình, dự án có liên quan mật thiết đến vấn đề quốc kế, dân sinh, v.v.. Những hành vi đó cũng phải được gọi là tham nhũng và chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tác hại của những hành vi tham nhũng này không nghiêm trọng bằng hành vi tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền.

Về thực trạng của tham nhũng. Có thể khái quát rằng, tình trạng tham nhũng ở nước ta là khá phổ biến, xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Ở đâu có vấn đề liên quan đến mối quan hệ về lợi ích vật chất và tinh thần thì ở đó đều xảy ra tham nhũng.

Những hành vi tham nhũng rất đa dạng, phổ biến là hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, dùng tài sản công để biếu xén, hối lộ; lừa đảo chiếm tài sản của Nhà nước, của nhân dân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân để vụ lợi, thu vén quyền lợi cá nhân; lập quỹ trái phép, sử dụng ngân sách không đúng quy định để hưởng lợi. Các hành vi tham nhũng đã và đang xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách, thuế, ngân hàng, hải quan, xuất nhập khẩu, tư pháp, giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội trong quản lý hành chính, công tác xã hội...

Về quy mô của tham nhũng. Có đủ loại, đủ mức độ tham nhũng của cá nhân, của tập thể; tham nhũng không có tổ chức và tham nhũng có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia.

Những thiệt hại do tham nhũng gây ra rất lớn, có vụ tham nhũng về kinh tế làm thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng; làm thoái hóa, biến chất hàng loạt cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Cái thiệt hại đáng kể hơn, nặng nề hơn là tham nhũng đã làm xấu chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào tương lai của một chế độ tốt đẹp mà Đảng ta đang phát động xây dựng.

                            

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Cũng như các nước khác, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã diễn ra từ khá sớm và được đặc biệt coi trọng dưới chế độ xã hội mới. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về nạn tham nhũng, coi đó là một loại “giặc nội xâm”; trong vài thập kỷ gần đây, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã coi tham nhũng là “quốc nạn” và rất tích cực đấu tranh chống tham nhũng.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lên án mạnh mẽ tệ tham nhũng, quyết tâm đấu tranh phòng ngừa và chặn đứng, đẩy lùi tham nhũng. Nhận xét, đánh giá về tình hình tham nhũng và những quốc sách phòng, chống tham nhũng đã được nhiều lần nêu lên trong các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyết định của các cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng. Những chủ trương, biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã liên tục được tuyên truyền đến người dân bằng các phương tiện thông tin đại chúng, bằng học tập, hội nghị, hội thảo chuyên đề ở từng cấp, từng ngành, từng khu vực. Tình hình tham nhũng và phòng, chống tham nhũng trở thành đề tài thường xuyên trong các báo cáo chỉ đạo định kỳ của Chính phủ, của các cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Đồng thời, nó cũng là những câu chuyện thường ngày phản ánh sự bất bình, bức xúc của mỗi người dân cả ở thành thị lẫn nông thôn, không phân biệt vùng, miền nào.

Các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được triển khai toàn diện, thường xuyên, đợt này nối tiếp đợt khác. Nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được sử dụng, như biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục - cảm hoá, trừng trị bằng pháp luật,... Tuy vậy, tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn không giảm.

Do đó, Nhà nước đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rồi sự ra đời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 3, khoá X đã ra Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã nhận diện một cách khá đầy đủ thực trạng của công tác phòng, chống tham nhũng và những nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác này. Đồng thời, Nghị quyết đưa ra những mục tiêu, quan điểm phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những chủ trương, giải pháp và cách tổ chức thực hiện một cách toàn diện, sâu sắc.

Những việc làm đó tỏ rõ sự quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, để làm cho mọi người có đủ bốn điều kiện: 1- không cần tham nhũng, 2- không thể (hoặc rất khó) tham nhũng, 3- không muốn tham nhũng, 4- không dám tham nhũng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các giải pháp này chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Hiện nay, ở nước ta, tình hình “tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Kết quả chưa khả quan về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua không thể phủ nhận được tính toàn diện, sâu sắc của các biện pháp phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang sử dụng. Điều đó nói lên rằng, liều lượng của những biện pháp ấy chưa đủ mạnh và chưa nhằm trúng khâu đột phá để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Theo tác giả, nếu chúng ta tìm đúng được khâu đột phá để phòng, chống tham nhũng thì chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn.

Việc Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực triển khai những biện pháp phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra đủ 4 điều kiện trên để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả là rất cần thiết, rất toàn diện. Bởi lẽ:

Để có điều kiện khiến cho người ta không cần tham nhũng thì phải làm cho Nhà nước giàu mạnh, có thể đáp ứng, thoả mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho mọi người dân. Muốn vậy, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, xây dựng nền sản xuất có năng suất, chất lượng cao, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đó là cả một quá trình lâu dài, cần phải mất nhiều thời gian, không thể có trong một sớm, một chiều.

Để người ta không thể (hoặc rất khó) tham nhũng thì bộ máy tổ chức, quản lý của Đảng, Nhà nước phải rất khoa học, bao gồm cả cơ chế, cả con người và hệ thống luật pháp chặt chẽ không có kẽ hở để tham nhũng không thể luồn lọt. Đồng thời, đời sống dân chủ trong xã hội phải được nâng cao, mọi hành vi tham nhũng đều không lọt nổi con mắt làm chủ của nhân dân. Để đạt được điều đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải có sự đổi mới và cố gắng rất lớn trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... 

Để người ta không muốn tham nhũng thì, hoặc là, phải có một quá trình với thời gian lâu dài để tạo đủ điều kiện thỏa mãn về vật chất và tinh thần cho mọi người dân khiến họ không cần phải tham nhũng như đã phân tích ở trên; hoặc là, xã hội phải tạo ra nếp sống không có tham nhũng, coi tham nhũng là xấu xa, tội lỗi, bất cứ ai tham nhũng cũng đều bị lên án, trừng trị... để gây áp lực tâm lý làm cho người ta không muốn và không dám tham nhũng. Trong hai phương án ấy, chỉ có phương án thứ hai là phù hợp với hoàn cảnh xã hội nước ta hiện nay. Muốn thực hiện được phương án thứ hai này, chúng ta phải ra sức xây dựng một xã hội dân chủ mà ở đó, mọi người sống có đạo đức, trong sạch, liêm khiết.

Để người ta không dám tham nhũng thì, thứ nhất, phải xây dựng được một xã hội đạo đức, thực sự dân chủ, phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, có thể tố giác và ngăn chặn được mọi hành vi tham nhũng, dù chúng có được che đậy tinh vi đến mấy. Thứ hai, một khi kẻ tham nhũng đã bị tố giác và có những bằng chứng không thể chối cãi thì Nhà nước phải xử lý nghiêm, xử lý nặng, buộc đương sự phải bồi thường thiệt hại, đồng thời tạo được làn sóng phê phán, lên án họ trong từng cộng đồng, trong toàn xã hội.

Tệp đính kèm


Thống kê: 3.851.774
Online: 70