Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng một loạt cơ chế đặc thù trong xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) từ ngày 15/8/2017 và có thời hạn 5 năm.

Nghị quyết xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông cục máu đông của nền kinh tế, tập trung xử lý 600 nghìn tỷ đồng (khoảng 10,08% tổng dư nợ) nằm trong các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 31/12/2016. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là bước đi quan trọng giúp giảm chi phí xã hội, giảm lãi suất ngân hàng qua đó thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.

Về cơ bản, Nghị quyết tập trung tháo gỡ những nút thắt then chốt trong quá trình xử lý nợ xấu, trọng tâm là các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm và sự tham gia thị trường mua bán, xử lý nợ. Cụ thể, Nghị quyết quy định rõ TCTD có quyền thu giữ TSBĐ; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ và được phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng,…

           

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Theo kinh nghiệm quốc tế, một số quốc gia trong khu vực Châu Á đã ban hành Bộ Luật mang tính tạm thời phục vụ công tác xử lý nợ xấu sau các cuộc khủng hoảng và quá trình xử lý diễn ra tương đối thành công. Sau khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998, Chính phủ Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng loạt đưa ra chính sách ứng phó mang tính tình thế, cụ thể là Luật Công ty quản lý tài sản công (AMC) hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động xử lý nợ xấu đặc biệt là xử lý TSBĐ và tái cơ cấu doanh nghiệp. Tại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng ban hành Bộ Luật Tái thiết công nghiệp REVIC, có hiệu lực trong 10 năm phục vụ hoạt động xử lý nợ xấu và cải cách nền kinh tế, trọng tâm hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, kinh tế Việt Nam ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và tài chính khu vực ở mức độ thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề nợ xấu tại Việt Nam, nợ xấu không bùng phát một cách chớp nhoáng nhưng lại âm ỉ nhức nhối, là gánh nặng của hệ thống tài chính trong khoảng thời gian dài. Do đó, Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ có tác động tích cực trong việc lưu động hóa tài sản bất động, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.

Theo đánh giá của chuyên gia Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nợ xấu gồm hệ thống pháp lý còn thiếu và không hiệu quả, khả năng xử lý tài chính của ngân hàng, sự không đồng thuận về chính sách xử lý nợ xấu và thiếu thông tin tín dụng từ phía ngân hàng. Về cơ bản, các vấn đề trên đã được đưa ra trong Báo cáo tình hình nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và giải quyết tương đối triệt để trong Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được thông qua. Có thể nói, khuôn khổ và hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ, vấn đề then chốt hiện nay là quá trình áp dụng các quy định tại Nghị quyết trong xử lý thực tế cần có sự tham gia tích cực và nghiêm túc của ba bên liên quan đó là tổ chức tín dụng, AMC và các tổ chức mua bán nợ, và khách nợ.

Các đại biểu Quốc hội đang thảo luận dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu

Ban Hợp Tác Đối Ngoại


Thống kê: 3.847.121
Online: 96