Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Nhớ ngày mới thành lập, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính có xuống thăm công ty và yêu cầu báo cáo về phương hướng mua, bán nợ cụ thể thời gian tới. Tôi báo cáo Bộ trưởng: “Chúng tôi sẽ thực hiện theo phương châm ngắn gọn là phải thăm ván rồi mới bán thuyền” - ông Phạm Đình Soạn, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - DATC nhớ lại.

Cách đây 12 năm, ngày 5/6/2003 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg thành lập công ty Mua bán nợ và và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (nay là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - DATC) với vốn điều lệ 2000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004 với ngành nghề kinh doanh chính là mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng - một lĩnh vực rất mới lạ tại Việt Nam thời điểm đó.

Ông Phạm Đình Soạn khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị của DATC, một trong những người có công xây lên những viên gạch đầu tiên cho công ty nhớ lại, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập DATC vào thời điểm 2003 là việc làm chính xác và cấp thiết.

Xin ông cho biết rõ lý do của sự thành lập DATC thời điểm 2003?

Việc thành lập DATC đồng thời cũng nhằm triển khai thực hiện những nội dung quan trọng của quá trình đổi mới nền kinh tế nói chung và đổi mới quản lý các DNNN, quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp nói riêng. Cụ thể là từng bước xóa bỏ sự can thiệp sâu của các cơ quan quản lý Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu bằng các quyết định xóa nợ, giảm giãn nợ, khoanh nợ...

Mặt khác, thực tế lúc đó cho thấy tình hình nợ xấu của các DNNN đang ngày càng tăng, việc chỉ xử lý nợ thông qua các quyết định hành chính trở lên phức tạp và không đáp ứng được yêu cầu. Xuất phát từ tình hình trên, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập một công ty mua bán nợ trực thuộc Bộ Tài chính vào năm 2000 và được Bộ chấp thuận trình Chính phủ. Đến tháng 6/2003, Đề án được Chính phủ thông qua và DATC chính thức được ra đời.

Việc thành lập DATC mang ý nghĩa lớn, công ty trở thành một công cụ quan trọng của nhà nước trong mua, bán xử lý nợ phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế thế giới. Mặt khác, sự ra đời của DATC còn góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp và hỗ trợ quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN.

Nhận trọng trách là người lãnh đạo đứng đầu - Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của DATC, cảm xúc của ông khi đó ra sao?

          Bản thân tôi có những áp lực nhất định, tuy nhiên tôi cũng có nhiều thuận lợi, trước đó là Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính và là người được Bộ giao trực tiếp xây dựng Đề án thành lập công ty. Khi đó, tôi có rất nhiều điều trăn trở, làm sao để mua, bán nợ phải gắn liền với xử lý nợ. Làm sao để DATC không phải là kho chứa nợ xấu mà là người thực hiện bước cuối cùng để xử lý nợ xấu, muốn vậy cần có những giải pháp đúng đắn, việc sớm đề ra những chính sách, chế độ phù hợp cho công ty là cần thiết.

Thứ hai, có một nguyên tắc xuyên suốt để xử lý nợ xấu là phải chia sẻ rủi ro, không nên để một bên nào gánh chịu, chủ nợ, khách nợ và cơ quan quản lý nhà nước đều phải vào cuộc.

Thứ ba, xử lý nợ xấu chỉ là giải pháp ngọn, cần chăm lo cả giải pháp gốc. Nợ xấu phát sinh là do việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả và những cân đối lớn của nền kinh tế bị vi phạm sẽ dẫn đến công nợ xấu.

Cuối cùng, làm sao để DATC thực sự trở thành một mô hình mẫu trong mua, bán và xử lý nợ, là nơi khởi đầu cho một thị trường mua bán nợ và có ảnh hưởng lớn đến thị trường này, xứng tầm với vị trí chiến lược của công ty trong nền kinh tế.

Ông có thể nêu một số công việc đã bắt tay vào thực hiện đầu tiên cùng một vài kỷ niệm đáng nhớ của bản thân trong thời gian công tác tại DATC?

Nhớ ngày mới thành lập, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính có xuống thăm công ty và yêu cầu báo cáo về phương hướng mua, bán nợ cụ thể thời gian tới. Tôi báo cáo Bộ trưởng: “Chúng tôi sẽ thực hiện theo phương châm ngắn gọn là phải thăm ván rồi mới bán thuyền”. Nghĩa là, việc mua, bán nợ cần phải làm việc giữa 3 bên: DATC, chủ nợ, khách nợ, thậm chí bốn bên - bên Nhà nước nếu khoản nợ đó thuộc diện mua, bán theo chỉ định của Chính phủ. Chỉ khi đó mới đi đến quyết định và gắn được việc mua, bán nợ đi đôi với xử lý nợ. Bộ trưởng đã vui vẻ đồng ý với chúng tôi về phương châm hoạt động như vậy.

Một kỉ niệm khác, lúc đó đã gần hết năm đầu tiên công ty đi vào hoạt động mà chưa có doanh thu. Chúng tôi đã mở một cuộc họp mở rộng bao gồm cả Hội đồng quản trị lẫn Ban giám đốc, Ban kiểm soát điều hành, các trưởng phó phòng và quyết định thành lập 5 đoàn công tác đi thâm nhập thực tế tại các tỉnh, Bộ ngành trọng điểm. Nhờ đợt công tác này, chúng tôi đã bước đầu xây dựng được các bộ quy tắc, quy trình xử lý mua, bán nợ, thu hồi xử lý tài sản, tạo tiền đề cho sự phát triển của công ty và đi vào hoạt động ổn định, nề nếp.

Nhìn lại chặng đường 12 năm xây dựng và phát triển của DATC, những gì đã diễn ra có giống với những điều ông mường tượng từ hồi còn bắt đầu vạch ra những bước đi đầu tiên cho công ty không? Những kỳ vọng của ông vào DATC trong tương lai?

Tôi rất mừng vì DATC hôm nay đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, vốn, doanh thu, hiệu quả hoạt động. Hiệu quả không chỉ là lợi nhuận đem lại cho công ty mà quan trọng hơn là hiệu quả gián tiếp mang lại cho các doanh nghiệp khác thông qua hoạt động mua, bán xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp. Đặc biệt, sự tăng trưởng của công ty trong những năm qua, doanh thu đã bước từ ngưỡng vài trăm tỷ lên hàng nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, việc hoàn thành sớm một số nghị định, thông tư hướng dẫn mới làm cơ sở hoạt động cho công ty trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết. DATC nên vạch rõ những kế hoạch trung và dài hạn cho mình, xứng đáng là công cụ quan trọng của Nhà nước trong mua, bán và xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp.

Mặt khác, không có nền kinh tế nào không có nợ xấu, chúng ta không kỳ vọng xóa bỏ được hết nợ xấu nhưng cần phấn đấu để chỉ số nợ xấu thấp nhất, ở đó có vai trò quan trọng của DATC. Nợ xấu có thể kéo dài nhiều năm nhưng đến DATC cần là chặng cuối xử lý những khoản nợ xấu đã kéo dài. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, DATC rất cần sự phối hợp giúp đỡ, hợp tác của nhiều đơn vị ban ngành, ngân hàng, tổ chức tài chính có liên quan.

Với một đội ngũ nhân viên có năng lực, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc cùng sự lãnh đạo nhạy bén, dày dặn kinh nghiệm của Ban lãnh đạo công ty hiện nay, tôi tin tưởng và chúc DATC trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tạp Chí Tài Chính Doanh Nghiệp


Thống kê: 3.773.406
Online: 55