Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Đến cuối năm, nợ xấu sẽ về dưới mức 3%. Đây là mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố từ đầu năm và như vậy, gần như chắc chắc mục tiêu này sẽ đạt được trong năm nay. Tuy nhiên, sau đó nợ xấu sẽ đi đâu về đâu, tác động như thế nào đến nền kinh tế thì vẫn chưa rõ ràng.

Các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20%/năm để bù đắp dần cho số nợ xấu

Nợ xấu ngoại bảng vẫn gây thiệt hại

Đây là một vấn đề quan trọng được thị trường quan tâm bên cạnh những con số tích cực về kết quả xử lý nợ xấu. Theo Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), tính đến giữa tháng 7/2015, VAMC đã mua hơn 60 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc từ các tổ chức tín dụng (TCTD) và phát hành 46 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Theo kế hoạch của cả năm 2015 là phát hành 80 nghìn tỷ đồng TPĐB mua nợ, thì đến nay VAMC đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch.

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cho biết sẽ hoàn thành sớm kế hoạch mua nợ này vào ngày 15/9 tới. Với tốc độ xử lý này, mục tiêu mua về khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu của VAMC trong năm nay (tính từ khi thành lập) gần như chắc chắn thực hiện được.

Vậy liệu đã yên tâm với nợ xấu hay chưa? Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tỷ lệ nợ xấu hiện đang được thống kê là nợ xấu nội bảng, còn lại nợ xấu ngoại bảng chính là nợ xấu mà VAMC đang giữ, chưa kể phần nợ được cơ cấu lại cũng khá lớn. Nợ xấu dù là ngoại bảng nhưng bản chất vẫn là nợ xấu dù không được theo dõi trong hệ thống bảng cân đối của các ngân hàng. Trong khi đó, cơ chế xử lý nợ xấu với VAMC hiện nay chưa được giải quyết rốt ráo. Sự hạn chế về nguồn lực, tài lực, pháp lực khiến tổ chức này hầu như chưa xử lý nợ xấu được theo thông lệ thị trường.

Đối với nền kinh tế, nợ xấu ngoại bảng vẫn gây những tác động chưa tính hết. Theo TS Nguyễn Tú Anh, sau khi bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm để bù đắp dần cho số nợ xấu đó. Khoản chi phí này là một lý do khiến các ngân hàng khó có thể hạ lãi suất cho vay, khiến mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lạm phát, với lãi suất huy động là khá lớn. Như vậy, vô hình chung, một phần chi phí xử lý nợ xấu đã rơi vào người gửi tiền và người vay tiền. Bên cạnh đó, trích lập dự phòng cao cũng làm lợi nhuận của các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh, khiến mức thuế nộp vào ngân sách giảm tương ứng.

Một quan ngại nữa về nợ xấu, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, là câu hỏi về quy mô thực tế của nợ xấu (tính theo thông lệ quốc tế) vẫn chưa được giải đáp, dù đã có những thay đổi luật định đúng hướng gần đây. Con số nợ xấu của một số ngân hàng yếu kém được tiết lộ gần đây khá gây sốc khi tỷ lệ này có lúc lên đến trên dưới 50%?!

Lộ trình xử lý nợ còn gian nan 

Cũng phải thấy rằng, bên cạnh việc tích cực làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng, cơ quan quản lý cũng đang có những bước đi để tiến tới phân loại, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ theo thông lệ quốc tế ở Việt Nam.

Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại tổn thất nợ và trích lập dự phòng là những quy định quan trọng nhằm cải thiện công tác báo cáo vào quản lý nợ xấu. Sau 2 lần trì hoãn, Thông tư 02 được thực thi đầy đủ từ tháng 4/2015. Ngoài việc phân loại chặt chẽ hơn kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng, xếp hạng đánh giá chéo qua hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng, Thông tư này còn mở rộng trích lập dự phòng đối với các khoản vay qua thẻ tín dụng, các khoản mục ngoại bảng; đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, đầu tư tín thác và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Việc áp dụng các tiêu chuẩn mới đã được thể hiện rõ khi tỷ lệ nợ xấu kể từ đầu năm đã tăng dần, từ 3,25% tháng 12/2014 lên 3,81% vào tháng 3/2015. 

Mới đây nhất, ngày 20/7, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2015/TT-NHNN về hoạt động mua bán nợ của các ngân hàng có nhiều nội dung đáng chú ý trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ.

Tuy nhiên, nỗ lực giải quyết nợ xấu theo cơ chế thị trường không chỉ phụ thuộc vào mỗi ngành ngân hàng mà đòi hỏi có khung pháp lý đồng bộ. Từ các quy định cho phép phá sản, sở hữu tài sản, tịch thu tài sản bảo đảm cho đến các biện pháp đảm bảo rõ hơn quyền chủ nợ. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi thay đổi toàn diện khung pháp lý và quan trọng hơn nữa là thay đổi tư duy và thông lệ kinh doanh trong quá trình thực thi và xử lý nợ xấu phi tố tụng,...  

Có thể thấy, lộ trình xử lý nợ xấu còn rất nhiều vấn đề phải bàn cho dù kế hoạch, con số đã đạt mục tiêu. Nói như TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề quan trọng hơn cả các con số là bản chất của nợ xấu ra sao, bản chất việc xử lý thế nào, tác động đến nền kinh tế về trung và dài hạn đến đâu…

Thời Báo Tài chính Việt Nam


Thống kê: 3.845.536
Online: 55