Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Nợ xấu gia tăng rất cao đẩy các ngân hàng Trung Quốc vào tình thế vô cùng khó khăn. Để đối phó với tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc quyết định thành lập bốn Công ty quản lý tài sản là Hoa Dung, Phương Đông, Trường Thành và Cinda để tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản từ hệ thống ngân hàng,  đặc biệt là từ 4 ngân hàng lớn (Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Xây dựng). Mỗi AMC được Chính phủ cấp 10 tỷ nhân dân tệ, do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý.

Sau 16 năm hoạt động (từ năm 1999 – nay), 4 AMC có lộ trình phát triển tương tự nhau, chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn một, từ năm 1999 - 2006, đây là thời kỳ các AMC thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao là xử lý nợ, hỗ trợ cải cách hệ thống ngân hàng và các DNNN hoạt động không hiệu quả. Nguyên tắc hoạt động trong thời kỳ này là các AMC nhận nợ bằng giá trị sổ sách từ các ngân hàng. Trong quá trình xử lý, các khoản lỗ phát sinh sẽ do Chính phủ Trung Quốc bù đắp.

Giai đoạn hai, từ năm 2006 - 2009, đây là thời kỳ quá độ, các AMC chuẩn bị chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Về cơ bản, các AMC đã hoàn tất việc xử lý nợ của hệ thống ngân hàng và các DNNN do Chính phủ giao nên để duy trì tồn tại các AMC đã báo cáo và được Bộ Tài chính Trung Quốc chấp thuận thực hiện giai đoạn chuyển đổi để bổ sung và mở rộng hoạt động sang lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ở thời điểm này, chất lượng nợ xấu của hệ thống ngân hàng tốt hơn, nợ không chỉ từ DNNN mà còn từ các thành phần kinh tế khác. Do đó, nguyên tắc hoạt động trong giai đoạn này là tiếp tục thực hiện các hoạt động xử lý nợ truyền thống, song song với chủ trương phát triển, xây dựng Công ty thành tập đoàn tài chính, đa dạng hóa hoạt động của Công ty trong lĩnh vực tài chính. Các AMC trong giai đoạn này không ngừng đào tạo đội ngũ cán bộ, nắm bắt cơ hội và nhu cầu thị trường để đa dạng hóa dịch vụ của công ty. Việc chuyển đổi mô hình từ hoạt động xử lý nợ truyền thống sang tập đoàn tài chính toàn diện phải trình và được Bộ Tài chính và Quốc vụ viện thông qua. Khi bổ sung một ngành nghề mới mang tính đặc thù, các AMC đều phải trình Bộ Tài chính duyệt, các hoạt động kinh doanh thông thường chỉ báo cáo Bộ Tài chính và thực hiện theo quy định pháp luật của ngành kinh doanh đó.

Giai đoạn ba, từ năm 2009 đến nay. Đây là giai đoạn các AMC không ngừng hoàn thiện bộ máy và chuyên môn hóa các dịch vụ tài chính.

Chính phủ Trung Quốc khi thành lập 4 AMC xác định thời hạn hoạt động của các AMC là 10 năm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, các AMC đứng trước hai lựa chọn, một là giải thể, hai là tiếp tục hoạt động và thích ứng với yêu cầu thị trường và cả 4 AMC đã chuyển đổi để tồn tại và phát triển vững mạnh.

Bốn tiêu chí trong định hướng chuyển dịch từ hoạt động xử lý nợ truyền thống sang mô hình tập đoàn tài chính cung cấp dịch vụ toàn diện được xác định gồm:

- Chuyển đổi từ hoạt động theo cơ chế chính sách sang cơ chế thị trường.

- Chuyển hoạt động kinh doanh từ hoạt động xử lý nợ truyền thống sang hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính mang tính tổng thể.

- Trở thành một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.

- Mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế.

Hoạt động của 4 AMC Trung Quốc hiện bao gồm 3 mảng chính là Quản lý, khai thác nợ và tài sản (hoạt động truyền thống); quản lý tài sản và đầu tư; dịch vụ tài chính (như cho thuê tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tín thác, dịch vụ phái sinh…)

Mặc dù đều là những tập đoàn tài chính toàn diện, mỗi AMC tập trung phát triển ngành nghề mũi nhọn theo thế mạnh riêng. Nguyên tắc hoạt động trong giai đoạn này của 4 AMC lớn theo định hướng thị trường, kết hợp duy trì và phát triển hoạt động xử lý nợ truyền thống và đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động với mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện.

Về cơ cấu tổ chức, mỗi AMC là một tập đoàn tài chính cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện. Cơ cấu tổ chức theo hình thức công ty mẹ và nhiều công ty con, trong đó Công ty mẹ tập trung chủ  yêu vào hoạt động truyền thống và quản lý đầu tư, mỗi công ty con chuyên về một mảng kinh doanh. Việc hình thành công ty con thông qua hai kênh là trực tiếp thành lập hoặc thông qua việc mua bán, sáp nhập và tái cơ cấu.

Các AMC đều có hội sở chính tại Bắc Kinh và các chi nhánh tại 30 tỉnh thành Trung Quốc.

Về cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các AMC trong từng thời kỳ của Chính phủ Trung Quốc có thể nhận thấy là  liên tục, nhất quán, luôn bổ trợ nhau và đều tập trung hỗ trợ hoạt động của các AMC. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban giám sát ngân hàng quốc gia là các cơ quan hữu quan quản lý hoạt động của các AMC.

Đặc điểm hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Trung Quốc tương đối đặc thù. Việc mua bán nợ thực hiện theo hình thức đấu giá. Các chủ thể được tham dự tham gia thị trường nợ xấu là 4 AMC lớn, 15 AMC địa phương.

Nguyên tắc tham gia thị trường được Bộ Tài chính quy định như sau: khi một ngân hàng chào bán một khoản nợ, chỉ 4 AMC lớn và một AMC địa phương có ngân hàng chào bán khoản nợ được tham gia đấu giá mua và xử lý khoản nợ. Nếu một trong 4 AMC lớn trúng đấu giá, họ có quyền xử lý hoặc bán lại khoản nợ đó cho nhà đầu tư khác trên thị trường thứ cấp. Tuy nhiên nếu đơn vị trúng đấu giá là AMC địa phương thì phải trực tiếp xử lý khoản nợ đó, không được bán lại cho các nhà đầu tư khác.

Kể từ năm 1999 đến nay, tại Trung Quốc đã diễn ra hai chương trình chuyển giao nợ chính, cụ thể:

- Năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã chuyển ngang giá trị sổ sách các khoản nợ tương đương 1,4 nghìn tỷ NDT cho 4 AMC lớn do Chính phủ thành lập trong chiến dịch mang định hướng chính sách.

- Từ năm 2004 – 2005, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Công thương đã trải qua giai đoạn cải cách. Tổng giá trị sổ sách các khoản nợ khoảng 1,2 nghìn tỷ NDT được bán ra theo cơ chế thị trường để xử lý. Bộ Tài chính phải gánh vác một phần tổn thất từ chương trình xử lý này.

Từ đó tới nay, hệ thống tài chính của Trung Quốc đang trải qua giai đoạn xử lý nợ thứ 3. Các khoản nợ trong thời kỳ này là các khoản nợ mới, được xử lý chuyên nghiệp hơn và hầu hết để phục vụ công cuộc cải cách ngân hàng thương mại cổ phần. Trong thời kỳ hoạt động theo cơ chế thị trường này, các AMC tập trung hơn cho mục đích lợi ích kinh tế. Các AMC tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh hoạt động xử lý nợ, các AMC cũng tập trung nguồn lực để đa dạng hóa và phát triển các dịch vụ tài chính.

Thành tựu của các AMC Trung Quốc.

Hiện nay các AMC hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mỗi AMC có một mũi nhọn riêng. Cụ thể AMC Cinda mạnh về lĩnh vực xử lý nợ và tài sản, AMC Hoa Dung chuyên về cung cấp các dịch vụ tài chính cho các đối tác lớn (ngân hàng, tín thác, chứng khoán), AMC Phương Đông có thế mạnh về bảo hiểm và chứng khoán, AMC Trường Thành chuyên về tái cơ cấu, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Với sự ủng hộ của Bộ Tài chính và Quốc vụ viện, 2/4 AMC Trung Quốc đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán đó là AMC Cinda và AMC Phương Đông. Đầu tháng 11/2015 này, AMC Hoa Dung cũng sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. AMC Trường Thành cũng đang trong những bước cuối cùng trong giai đoạn cải cách bộ máy tổ chức để niêm yết trên sàn chứng khoán vào thời gian tới.

Dưới đây là một số thông tin tài chính tính đến 31/12/2014 của 3 Công ty quản lý tài sản Trung Quốc:

 

Công ty quản lý tài sản Trường Thành

(tỷ NDT)

Công ty quản lý tài sản Phương Đông

(tỷ NDT)

Công ty quản lý tài sản Hoa Dung

(tỷ NDT)

Vốn điều lệ khi thành lập năm 1999

10

10

10

Vốn chủ sở hữu hiện tại

40,676

51,639

83,5

Tổng tài sản

268,927

316,498

600,5

Doanh thu ròng

22,11

53,178

42,69

Lợi nhuận sau thuế

6,2

7,4

13

Bài học rút ra đối với DATC

Sự thành công trong chuyển đổi mô hình, đa dạng hóa hoạt động của 4 AMC Trung Quốc thực sự là một bài học để DATC tham khảo.

1. Đối với chiến lược phát triển

DATC đã trải qua 12 năm hoạt động với nhiệm vụ được Chính phủ giao là xử lý nợ xấu trong nền kinh tế, hỗ trợ chương trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Cho đến nay trọng trách này có xu hướng giảm dần do số lượng DNNN cổ phần hóa ngày càng ít đi. Hoạt động xử lý nợ truyền thống cũng chỉ có giới hạn, không thể mở rộng phát triển mãi mãi nên muốn phát triển thì ngoài hoạt động xử lý nợ cần bổ sung thêm các hoạt động khác liên quan. Do đó việc xây dựng chiến lược hoạt động trong giai đoạn tiếp theo là cấp thiết và phải thực hiện. Hướng chuyển đổi DATC từ một AMC xử lý nợ truyền thống theo hướng đa dạng hóa hoạt động là hợp lý để vừa phát huy được thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có trong lĩnh vực xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp với việc mở rộng phạm vi xử lý ra các thành phần kinh tế khác, vừa có cơ hội phát triển mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của thị trường. Trong đó, kinh nghiệm chuyển đổi của các AMC Trung Quốc cũng sẻ giúp ích cho quá trình chuyển đổi của DATC. Bản thân các AMC Trung Quốc phải tự nghiên cứu, đề xuất để Bộ Tài chính Trung Quốc phê duyệt các ngành nghề hoạt động mở rộng và chiến lược mổ rộng sang các hoạt động này.

2. Đối với chính sách phát triển nguồn lực

Điều kiện cần cho sự thành công này là tăng trưởng vượt bậc về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực với chuyên môn nghiệp vụ cao và kinh nghiệm. Nguồn lực tài chính của các AMC được tích lũy không ngừng trong quá trình phát triển, từ đó tạo cơ sở mở rộng hoạt động kinh doanh theo hướng đa dạng hóa. Bên cạnh đó, việc không ngừng đào tạo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ để tăng cường năng lực, sẵn sàng nắm bắt cơ hội thị trường.

3. Sự hỗ trợ từ Chính phủ cho sự hình thành và phát triển của AMC  Sự hỗ trợ từ Chính phủ từ định hướng ban đầu, nguồn vốn khi thành lập và hệ thống chính sách pháp luật liên tục, thống nhất được coi là điều kiện đủ cho sự hình thành và phát triển bền vững của các AMC Trung Quốc.        

Các cơ quan xây dựng chính sách và quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc luôn có những chính sách hỗ trợ hoạt động của các AMC một cách nhất quán, liên tục, phù hợp với từng thời kỳ phát triển của AMC. Sự hỗ trợ về chính sách và các quy định liên quan có tác động rất tích cực tới hoạt động xử lý nợ theo định hướng chính sách trong thời gian đầu và định hướng thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, để DATC tiếp tục phát triển theo định hướng vừa phát huy thế mạnh xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp vừa mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính mang tính toàn diện cần có sự hỗ trợ rõ rệt từ phía Chính phủ, Bộ Tài chính về chủ trương. Cụ thể là chủ trương tạo điều kiện cho DATC chuyển đổi thành một tập đoàn tài chính với quy mô vốn đủ lớn để DATC có thể thực hiện các hoạt động dịch vụ tài chính đa dạng . Đồng thời, các cơ quan xây dựng cơ chế chính sách cũng cần có sự quan tâm và đánh giá đúng về sự quan trọng về hoạt động cũng như quá trính chuyển dịch của các AMC để đưa ra những chính sách, quy định pháp luật phù hợp, nhất quán và mang tính lâu bền, đặc biệt đối với việc tạo cơ chế đặc thù cho hoạt động xử lý nợ của DATC, chính sách thuế vv... Ngoài ra, tự bản thân DATC cũng cần chuẩn một nội lực đủ mạnh để nắm bắt được thời cơ bằng cách không ngừng tăng cường năng lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm của nguồn nhân lực./.

Ban Hợp Tác Đối Ngoại - DATC


Thống kê: 3.838.382
Online: 78