Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

IPAF:

Ngày 27/10/2015, đoàn cán bộ DATC do Phó Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường làm trưởng đoàn đã tham dự Chương trình Hội nghị Thượng đỉnh IPAF lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh – Trung Quốc do đơn vị nước chủ nhà Công ty Quản lý tài sản Hoa Dung chủ trì.

IPAF là Diễn đàn các công ty quản lý tài sản công quốc tế được thành lập ngày 27/05/2013 gồm 6 thành viên sáng lập là các Công ty Quản lý tài sản: KAMCO – Hàn Quốc, Sukhumvit AMC – Thái Lan, DATC – Việt Nam và 3 Công ty quản lý tài sản Trường Thành, Cinda và Hoa Dung của Trung Quốc.

Tới nay, số lượng thành viên IPAF đã tăng lên trong khu vực Châu Á bao gồm 5 đại diện Trung Quốc, 2 đại diện Thái Lan, 2 đại diện Hàn Quốc, 1 đại diện Kazakhstan và DATC Việt Nam. Sau 3 năm hoạt động, IPAF đã có nhiều thành tựu với việc tổ chức thành công nhiều chương trình hội nghị đàm thoại về các vấn đề có ảnh hưởng tới thị trường xử lý nợ cũng như sự phát triển của thị trường quản lý tài sản khu vực. Bên cạnh đó, các thành viên IPAF cũng liên tục tổ chức các chương trình tập huấn nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức giữa các thành viên và hơn thế nữa là tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ trong khu vực thị trường quản lý tài sản Châu Á, các thành viên IPAF đã ký Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm và đề ra phương hướng, hành động trong thời gian tới.

KHẢO SÁT:

Trong hai ngày 29 và 30/10/2015, đoàn cán bộ DATC do PTGĐ Phạm Mạnh Thường làm trưởng đoàn tiếp tục có các buổi làm việc với 3 AMC Trung Quốc là Công ty Quản lý tài sản Phương Đông, Trường Thành và Hoa Dung.

Bốn AMC Trung Quốc (Hoa Dung, Cinda, Phương Đông, Trường Thành) được Chính phủ Trung Quốc thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á để đối phó với tình hình nợ xấu tăng cao. Nhiệm vụ chính trong thời kỳ mới thành lập là tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản từ hệ thống ngân hàng đặc biệt là từ 4 ngân hàng lớn (Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Xây dựng). Mỗi AMC được Chính phủ cấp 10 tỷ NDT và Bộ Tài chính trực tiếp quản lý.

Nội dung chính của các buổi làm việc là tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của 4 AMC Trung Quốc cũng như thị trường xử lý nợ Trung Quốc. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi mô hình từ một AMC xử lý nợ truyền thống sang một tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cũng được DATC đặc biệt quan tâm.

Sau 16 năm phát triển, quy mô của bốn AMC Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Với số vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ NDT, tính đến 31/12/2014, quy mô vốn của 4 AMC đều gia tăng rất mạnh như Hoa Dung (83,5 tỷ NDT), Phương đông (51,64 tỷ NDT). Hiện nay, các AMC Trung Quốc vừa kế thừa và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ truyền thống, vừa mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực dịch vụ tài chính khác như tín thác, cho thuê tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Tính đến 1/11/2015, đã có 3 AMC niêm yết trên sàn chứng khoán là Cinda, Hoa Dung và Phương Đông. AMC Trường Thành cũng đang trong giai đoạn cải tổ bộ máy và chuẩn bị thủ tục niêm yết.

Nhận định về kết quả hoạt động của AMC Trung Quốc được cho là  khá thành công bởi sự hỗ trợ về chủ trương chính sách của Chính Phủ Trung Quốc luôn mang tính liên tục và nhất quán. Bên cạnh đó, một yếu tố chủ chốt khác góp phần thành công là mỗi AMC đều tập trung phát triển nguồn lực tài chính và nguồn lực nhân sự đủ mạnh để luôn sẵn sàn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Làm việc với AMC Phương Đông

Làm việc với AMC Hoa Dung

Ban Hợp Tác Đối Ngoại - DATC


Thống kê: 3.775.163
Online: 54