Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN (DNNN) là một chủ trương lớn và có chiến lược dài hạn nhằm nâng cao năng lực về tài chính, năng lực quản trị, điều hành hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường. Đề án tái cơ cấu lại các tập đoàn, TCT nhà nước hiện đã được hoàn tất với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...Hiện đề án đang hoàn thiện khâu cuối cùng để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây.

            Sách lược cho 4 nhóm cơ bản

Theo đề án tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã phân loại DNNN thành 4 nhóm. Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành độc quyền mà Nhà nước cần kiểm soát như điện hạt nhân, xổ số điện toán và trò chơi có thưởng. Theo đó, đến 2015, sẽ còn 43 công ty mẹ - tập đoàn kinh tế (TĐKT), TCT 100% vốn nhà nước, 163 DN thuộc bộ, 170 DN thuộc địa phương. Đến năm 2020 còn 17 công ty mẹ, TĐKT, TCT do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nhóm này sẽ được tái cấu trúc về chiến lược, mô hình tổ chức, quản trị nội bộ, tái cấu trúc tài chính, nhân sự để nâng cao hiệu quả.

Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tuyệt đối, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng (trên 75% vốn điều lệ), hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ công ích, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc miền núi... Theo đó, đến 2015, có 6 TCT, 1 ngân hàng thương mại, 40 DN công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, cấp thoát nước.

Nhóm 3 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% vốn điều lệ) gồm những công ty quy mô lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách, đi dầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao và có vai trò đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế, bình ổn thị trường. Nhóm 2 và nhóm 3 sẽ được tái cấu trúc trước cổ phần hóa, cổ phần hóa và tiếp tục tái cấu trúc sau cổ phần hóa.

Nhóm 4 gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần hoạt động kinh doanh thuần túy. Các doanh nghiệp thuộc nhóm 4 sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Đáng chú ý, trong chủ trương tái cấu trúc DNNN lần này, Chính phủ yêu cầu dừng việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính, chỉ phê duyệt thành lập với đề án có tính khả thi cao, do yêu cầu bắt buộc để sắp xếp lại các DNNN hiện có, hoặc ở một số lĩnh vực ngành nghề mới mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ hay giữ cổ phần chi phối (như điện hạt nhân, sổ xố điện toán và trò chơi có thưởng).

Theo lộ trình Đề án tái cấu trúc DNNN đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, từ năm 2012 - 2015 sẽ cơ cấu xong nợ của các DNNN, cổ phần hóa xong đối với những DNNN được duyệt, hoàn thiện thể chế quản lý DNNN, tăng cường năng lực quản trị DNNN. Năm 2015 sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty. Từ năm 2015 - 2020 sẽ tiếp tục sắp xếp lại, cổ phần hóa các tập đoàn, TCT và các DNNN thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Lấp đầy khoảng trống pháp lý

Lâu nay, như một câu cửa miệng của nhiều người, hễ cứ bàn đến DNNN là nói về khoảng trống pháp lý. Chẳng hạn như: Quy định đá nhau; phân quyền không rõ ràng, chồng chéo; đầu tư tràn lan; giám sát yếu... Đề án đã vạch lộ trình khá cụ thể trong việc sửa đổi, bổ sung, lấp đầy những khoảng trống này.

Trước hết là vấn đề phân quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Có thể nói, vấn đề này là cái gốc, cốt lõi nhất để quản lý DNNN hiệu quả. Để khắc phục tình trạng chồng chéo lâu nay, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và Chính phủ đã cho ý kiến. Theo đó, về cơ bản đã phân quyền khá cụ thể, kèm theo trách nhiệm các bộ ngành, đơn vị chủ quản DN. Cạnh đó, để tăng cường công tác kiểm soát, giám sát nội bộ, Bộ này cũng đã soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Quy chế hoạt động cho kiểm soát viên. Theo đó, kiểm soát viên có quyền tiếp cận bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào; tham gia các cuộc họp, có quyền phát biểu; được sử dụng con dấu của công ty cho các văn bản, hồ sơ, tài liệu thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm soát viên; trường hợp cần thiết kiểm soát viên được trưng cầu giám định, tư vấn của các chuyên gia, tổ chức chuyên ngành. Kiểm soát viên cũng có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, trung thực, cẩn trọng của các hoạt động bán tài sản, hợp đồng vay, cho vay, thực hiện dự án...

Đối với những bất cập lâu nay làm chậm tiến trình cổ phần hóa như xác định giá trị doanh nghiệp, chọn nhà đầu tư chiến lược, cơ bản đã được khắc phục khi Chính phủ ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Ngoài ra, hiện Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo Nghị định Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Quy chế giám sát DNNN; Dự thảo về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Như vậy, các khoảng trống pháp lý đối với DNNN được nhắc đến lâu nay về cơ bản được khắc phục.

Thời báo Tài chính Việt Nam số 41 ngày 4/4/2012


Thống kê: 3.838.472
Online: 101