Bộ Tài chính

Công ty TNHH mua bán nợ việt nam

Doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt

Dù DATC đã có những bước đi quan trọng giúp nhiều DN đứng bên miệng vực phá sản hồi sinh, góp phần làm lành mạnh hóa nền tài chính. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số rào cản xung quanh mô hình hoạt động của DATC khiến việc tái cơ cấu tài chính cho DN thua lỗ có những khó khăn nhất định.

          Dấu nợ?

Theo ông Alexander Nguyễn, một chuyên gia ngân hàng, có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng ở nước ngoài, hiện nay, thông tin chung về nợ tồn đọng của DNNN chưa được thu thập, theo dõi, cập nhật một cách thường xuyên và có hệ thống, chưa có đủ chế tài cho chủ nợ và khách nợ theo dõi và báo cáo tình hình nợ tồn đọng một cách thường xuyên. Ngay cả trong các văn bản chính thức, chúng ta còn chưa phân biệt được các khái niệm như nợ tồn đọng, nợ xấu, nợ khó đòi, nợ quá hạn, nợ dưới chuẩn...

Hiện nay, bên cạnh số rất ít những DN đã chủ động trong việc xử lý nợ tồn đọng, thì còn rất nhiều DN có nợ tồn đọng nhưng chưa xử lý. Tâm lý “treo” nợ (trong sổ sách), dấu nợ xấu, sợ trách nhiệm, sợ đụng chạm và mất quyền lợi của các DNNN chưa thể xóa bỏ.

Nguyên nhân chủ yếu do các quy định về xử lý nợ còn phức tạp, chưa rõ ràng với nhiều yêu cầu cụ thể phải có đầy đủ tài liệu chứng minh mà thực tế nhiều DN không thể đáp ứng do nhiều lý do khác nhau như thay đổi tổ chức, nhân sự liên quan đến việc theo dõi thanh toán nợ. Có những khoản nợ không xác định được song lại phải “có xác nhận của cơ quan quyết định thành lập DN” nên cứ nằm chờ. Cơ chế hiện hành quy định cụ thể chế tài khi người có trách nhiệm không thực hiện xử lý nợ thậm chí còn để phát sinh nợ tồn đọng mới...

Về môi trường pháp lý, ông Nguyễn cho rằng “Nhà nước cần tạo điều kiện mở rộng các giao dịch thương phiếu và các công cụ thanh toán quốc tế khác để mở rộng phạm vi áp dụng và hiệu quả của các giao dịch mua bán nợ”.

 

Lâu nay, chúng ta vẫn yêu cầu việc xử lý nợ tồn đọng vừa phải lành mạnh hóa được tài chính, CPH được DN, vừa phải bảo toàn vốn nên đã làm trì trệ quá trình xử lý nợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này không đặt vấn đề bảo toàn vốn và có lợi nhuận đối với tổ chức xử lý nợ mà chỉ đòi hỏi phải tối đa hóa giá trị nợ thu về. Các bước đi cần thiết trước mắt là phải rà soát lại và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ, về quan hệ giữa công ty xử lý nợ với các tổ chức tín dụng và các khách nợ. Thậm chí, Nhà nước cũng nên sớm chỉnh sửa Quyết định 493 về phân loại nợ theo hướng gần với thông lệ quốc tế hơn.

Cần hành lang pháp lý cho DATC

Đối với mô hình hoạt động của DATC cũng có những rào cản nhất định. Chẳng hạn, hiện các đơn vị do DATC thực hiện tái cơ cấu đều là các đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ và được các NHTM bán nợ cho DATC. Mặc dù, các đơn vị sau khi được tái cơ cấu đều đã cải thiện được tình hình tài chính, tuy nhiên theo cơ chế tín dụng của các NHTM, các đơn vị vẫn không đủ điều kiện hoặc không được Ngân hàng cho vay vốn lưu động để tiếp tục sản xuất. Mặt khác, nếu do DATC không thể thực hiện biện pháp hỗ trợ các đơn vị (cho vay 1 phần vốn, bảo lãnh cho vay...) vì chưa được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, các NHTM sẽ không đủ điều kiện hoặc không sẵn sàng hợp tác cung cấp hạn mức tín dụng cho các đơn vị. Hoặc dù đã có các cam kết tham gia góp vốn vào các đơn vị sau tái cơ cấu, song trong một số trường hợp các đơn vị chủ quản (Tổng công ty, Công ty mẹ) của một số đơn vị lại không thực hiện đúng cam kết góp vốn để cùng thực hiện tái cơ cấu, điều này gây khó khăn cho hoạt động tái cơ cấu và cả DATC. Ngoài ra, sự phê duyệt phương án tái cơ cấu còn chậm: Do thiếu các cơ chế, chế tài thực hiện tái cơ cấu của DATC, việc phê duyệt các phương án mua nợ và tái cơ cấu của DATC còn kéo dài... Trả lời báo chí Ông Nguyễn Huy Lập - Trưởng phòng Pháp chế, Tư vấn và Hợp tác DATC từng cho rằng:

Nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý một cách đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động này, sớm quy định rõ, cụ thể các vấn đề đặc thù trong quá trình thực hiện như: miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ để xử lý tồn tại tài chính, hỗ trợ tài chính thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp, bảo lãnh vay vốn ngân hàng hoặc cho vay bổ sung để DN có vốn hoạt động. Bên cạnh đó, nội dung thỏa thuận giữa DATC với các Bộ, UBND các tỉnh để chuyển đổi sở hữu đối với DNNN thua lỗ, không còn vốn nhà nước thông qua hoạt động mua bán nợ cũng cần được hướng dẫn cụ thể để cùng thống nhất thực hiện. Ngoài ra, cơ chế bán nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng cần phải được thay đổi theo hướng linh hoạt hơn.

Cụ thể, đối với một DNNN thì một trong những điều kiện tiên quyết để có thể CPH hoặc chuyển đổi sở hữu được là phải xử lý triệt để số âm vốn chủ sở hữu, bởi lẽ không nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ vốn ra để bù đắp những tổn thất tài chính trước đó của DN mà người được lợi lại là chủ nợ của DN đó. Mặt khác, đối với chủ nợ, số âm vốn chủ sở hữu của DN cũng chính là phần giá trị các chủ nợ đã thực tế bị mất đi nếu thanh lý toàn bộ tài sản của DN. Như vậy, việc miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ cho DN khách nợ để DN đó không còn âm vốn chủ sở hữu - xét về bản chất - thì chỉ là thủ tục mang tính hình thức, vì đó chỉ là việc miễn giảm phần giá trị không còn tồn tại, cũng tương tự như việc đánh giá lại giá trị của khoản nợ theo giá trị thị trường.

Tuy nhiên, việc miễn giảm này lại cho phép DATC quyền được chuyển nợ thành vốn góp tại DN theo mức giá hợp lý, quyền được tái cơ cấu lại DN đó. Như vậy, đây thực chất là sự trao đổi để Công ty có quyền đầu tư vào và quản lý DN theo điều kiện phù hợp với Công ty. Điều này hoàn toàn khác với việc xóa nợ mà Nhà nước thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân - một hình thức mà nhà nước từ bỏ quyền của mình đối với khoản nợ, nhưng không nhận lại bất kỳ quyền lợi nào khác từ phía tổ chức, cá nhân được xóa nợ. Vấn đề đặt ra là việc miễn giảm này có phải là việc hợp thức hóa những sai phạm dẫn đến những tổn thất tài chính trước đây ở DN khách nợ hay không. Một điều rất rõ ràng là việc miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ nêu trên không làm thay đổi được quá khứ của DN, không làm thay đổi được số liệu và hồ sơ tài liệu về hoạt động kinh doanh trước đây của DN khách nợ. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn có đầy đủ căn cứ để xem xét, đánh giá và truy cứu trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân đó sau khi DN khách nợ được miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, để DATC có thể chuyển đổi sở hữu được những DNNN đã âm vốn chủ sở hữu thông qua hoạt động mua bán nợ, thì việc miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ cho DN khách nợ cần được coi là thẩm quyền cần thiết của DATC.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đề nghị Công ty cần đa dạng hóa các hình thức mua nợ, xử lý nợ để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ. Trước mắt tập trung làm tốt công tác nợ và tài sản tồn đọng của các DNNN, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình sắp xếp lại DNNN và cổ phần hóa DNNN. Về lâu dài, tiến tới mở rộng việc mua bán nợ và tài sản tồn đọng của các loại hình DN, các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế. Định chế tài chính này đối với chúng ta là rất mới mẻ nhưng đối với các nước có nền kinh tế thị trường hoàn thiện thì việc mua bán nợ, tất cả các khoản nợ trong nền kinh tế đều thực hiện rất bình thường và cũng là một nội dung quan trọng để thực hiện lành mạnh hòa tài chính của các DN

(Trích bài phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ DATC đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba)

Về nội dung thỏa thuận giữa DATC với cơ quan đại diện chủ sở hữu DN, Nghị định 109/2007/NĐ-CP đã cho phép Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được thỏa thuận với DATC để chuyển đổi sở hữu đối với DNNN thua lỗ không còn vốn nhà nước. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể, nên DATC và các bộ, địa phương vẫn còn có những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số bộ, địa phương cho rằng quy trình chuyển đổi các DN này cần được thực hiện như đối với các DNNN đủ điều kiện chuyển đổi khác. Điều này sẽ gây khó khăn và cản trở DATC trong việc triển khai tái cơ cấu lại các DN đó.

Theo quy định hiện hành về CPH DNNN, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được xác định bằng giá đấu thành công bình quân. Đây là quy định hợp lý, đảm bảo hài hòa được lợi ích giữa nhà nước, người lao động và nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, chính sách này chỉ phù hợp đối với trường hợp DNNN đã âm vốn chủ sở hữu nhà nước, được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu thông qua hoạt động mua bán nợ. Bởi đối với những DNNN vẫn còn vốn nhà nước, thì việc CPH cần phải đồng thời đạt 2 mục tiêu: tối đa hóa quyền lợi của Nhà nước, và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Để đạt được mục tiêu tối đa hóa quyền lợi của Nhà nước, thì cách tốt nhất là để thị trường tự định giá DN thông qua việc đấu giá công khai. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thì việc các nhà đầu tư chiến lược có ưu thế về kỹ thuật, công nghệ, có năng lực quản lý tốt tham gia đầu tư vốn vào DN là hết sức quan trọng. Vì vậy, rất cần thiết có những điều kiện ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược khi tiến hành CPH các DNNN. Như vậy, hai mục tiêu này không hoàn toàn thống nhất với nhau. Để tối đa hóa được lợi ích của nhà nước thì sự ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược phải được tối thiểu hóa, nên không có tác dụng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhưng lại làm giảm bớt lợi ích của nhà nước từ việc bán cổ phần.

Do vậy, ông Lập cho rằng đối với trường hợp DNNN đã âm vốn chủ sở hữu nhà nước được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu thông qua hoạt động mua bán nợ thì Nhà nước không nên quy định hoặc can thiệp vào việc định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Vấn đề này nên trao toàn quyền cho DATC quyết định trên cơ sở tự cân đối lợi ích giữa DATC và nhà đầu tư chiến lược.

Riêng về vấn đề liên quan tới việc DATC bảo lãnh cho các DN vay vốn ngân hàng hoặc DATC cho vay hỗ trợ vốn tạm thời cho các DN để thực hiện tái cơ cấu, thực tế vừa qua đã cho thấy, không phải DN nào được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu cũng cần được DATC cho vay vốn hoặc bảo lãnh để DN vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã chỉ ra rằng nếu không được DATC cho vay vốn tạm thời hoặc bảo lãnh để vay vốn ngân hàng thì phương án tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu DN khách nợ khó có thể thực hiện có hiệu quả như mong muốn. Đặc điểm của hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN khách nợ là các DN khách nợ đều là những DN đã lâm vào tình trạng phá sản, cực kỳ khó khăn về tài chính, không thể vay được vốn ngân hàng. Vì vậy, việc DATC cho vay hỗ trợ hoặc bảo lãnh để DN khách nợ vay vốn ngân hàng là rất cần thiết giúp DN khẩn trương bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị, hoặc tiếp tục duy trì hoạt động SX - KD, chuẩn bị cho giai đoạn tái cơ cấu.           

Ngay cả khi đã hoàn thành các thủ tục thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu DN khách nợ, việc bảo lãnh, cho vay hỗ trợ của DATC đối với một số DN sau khi được cơ cấu lại tài chính, chuyển đổi sở hữu cũng rất cần thiết. Thực chất của việc tái cơ cấu lại tài chính cho DN khách nợ là việc DATC sẽ giảm bớt một phần nghĩa vụ tài chính cho DN khách nợ, chuyển nợ thành vốn góp tại DN và huy động thêm vốn góp từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài. Việc giảm một phần nghĩa vụ trả nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại DN chỉ làm cho DN cân bằng được tài chính và thay đổi cơ cấu vốn của DN, nhưng không tạo thêm vốn cho DN hoạt động. Vì vậy, việc DN có vốn để hoạt động và đầu tư cải tạo, nâng cấp máy móc, thiết bị hay không không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn điều lệ được góp từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài và nguồn vốn vay từ ngân hàng. Thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân vào các DN không đạt như mong muốn vì nhiều lý do, và như vậy thì rõ ràng sự bảo lãnh hoặc cho vay hỗ trợ của DATC là rất cần thiết. Bên cạnh sự cần thiết khách quan đó, một điều rất rõ ràng là việc DATC bảo lãnh, cho vay hỗ trợ DN khách nợ hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của DN đã được quy định tại Luật DN và các văn bản hướng dẫn dưới luật, đồng thời không vi phạm Luật các tổ chức tín dụng. 

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp số 7 - 2010


Thống kê: 3.839.299
Online: 63